Vài năm trở lại đây, giữa một vài địa phương đang hình thành lên cuộc “chạy đua” về các dự án tỷ USD. Con gà tức nhau tiếng gáy, lãnh đạo một số tỉnh để có được dự án tỷ USD đã cưng chiều DN nước ngoài đến mức thái quá, thậm chí đồng ý cả những yêu sách vô cùng phi lý.
Theo ông Phạm Đình Chí – Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Sơn cho biết:
“Từ khi dự án nhà máy thép Quảng Liên đầu tư đến nay người dân chưa được lợi cái gì”,
Dự án 5 lần điều chỉnh...để chăn bò
Có một thực tế là hầu hết các dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam mấy năm gần đây đều là những siêu dự án thép. Trong số 5 siêu dự án Thép tại các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh (2 dự án) thì Dự án Nhà máy thép Guang Lian Steel - Dung Quất (Phiên âm Quảng Liên) tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi) “lình xình” nhất.
Năm 2007, KKT Dung Quất tràn ngập băng rôn, khẩu hiệu chào mừng lễ động thổ Nhà máy luyện cán thép Dung Quất do Tập đoàn Tycoons và E-United (Đài Loan) xây dựng. Nhưng sau 6 năm sau lễ động thổ hoành tráng ấy, dự án vẫn là bãi đất trống, nhấp nhô vài cọc bê tông, hàng trăm con bò nhởn nhơ gặm cỏ trên đất dự án...tỷ đô.
Từ số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn thép/năm, Tycoons đã mời tập đoàn E-United tham gia, số vốn đầu tư được điều chỉnh tăng lên 3,3 tỷ USD (90% vốn của E-United và 10% vốn của Tycoons) và đổi tên thành dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất. Chưa dừng lại, các nhà đầu tư tiếp tục điều chỉnh vốn tăng lên 4,5 tỷ USD nâng công suất nhà máy lên 7 triệu tấn/năm.
Tháng 4/2012, sau nhiều năm trời đi mời gọi nhà đầu tư, Quảng Liên gặp được đối tác là Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản). Hy vọng sự có mặt của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẽ đem đến “luồng gió mới”, song thực tế không có gì khả quan hơn khi đúng ra tháng 7/2013 này dự án sẽ được triển khai, song phía JFE lại xin lùi thời gian đến tháng 7/2014 với lí do cần xem xét lại vì thị trường thép thế giới đang gặp khủng hoảng lớn, trong khi sản phẩm mà Nhà máy thép Quảng Liên dự kiến làm ra sẽ trùng với rất nhiều dự án thép lớn khác tại khu vực châu Á.
Sau 5 lần thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư, 6 năm triển khai,
dự án thép tỷ đô vẫn chỉ là bãi đất trống nuôi bò, với vài chiếc cọc bê-tông.
Được biết, sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, diện tích của siêu dự án thép Quảng Liên đã lên tới 700ha.
Những hạng mục được thi công của dự án này chỉ là hệ thống tường bao quanh, vài cọc bê tông “trơ gan cùng tuế nguyệt” chặn các ngả đường dân sinh của người dân. Mặc dù dự án thép Quảng Liên treo 6 năm qua, nhưng khi DN này đề xuất tỉnh Quảng Ngãi dành con đường nhựa nối liền từ Dốc Sỏi đến Cảng Dung Quất ngay lập tức được tỉnh đồng ý. Vậy là tỉnh Quảng Ngãi lại phải làm một con đường vòng mới bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh bắt người dân đi vòng xa thêm 4km, tạo mọi điều kiện cho Quảng Liên hoạt động, nhưng dốt cuộc dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Dũng - Phó trưởng BQL KKT Dung Quất thừa nhận dự án nhà máy thép Quảng Liên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân Nhà thầu E-United và Tycoons gần như không đủ khả năng tài chính để triển khai. Tất cả mọi hy vọng hiện nay đều đặt vào phía JFE, song phía JFE cũng chưa có bất cứ văn bản pháo lý nào khẳng định họ sẽ đổ tiền vào Nhà máy thép Quảng Liên. “Đến nay, chúng tôi không tin tưởng vào Quảng Liên. Dự án này giờ như quả trứng đã luộc rồi, muốn dừng cũng không được, triển khai tiếp thì khó khăn. Tính pháp lý mới nhất của dự án là điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lên 4,5 tỷ USD vẫn chưa hoàn thành. Khả năng tài chính, triển khai dự án rất mù mờ”, ông Lê Xuân Dũng - Phó trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất cho biết.
Bên trọng bên khinh
Vẫn biết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương là hết sức khó khăn, các địa phương cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng nhiều khi “cưng chiều” quá hóa chây ỳ.
Trong thời gian GPMB giao cho Cty Quảng Liên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải thu hồi đất của 12 Doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả cùng hàng trăm ha đất nông nghiệp của người dân địa phương. Nhưng sau đó, dự án vẫn không triển khai. Giờ đây, một trong những điều kiện phía chủ đầu tư đưa ra để tiếp tục triển khai Nhà máy thép Quảng Liên là phải có được 23 ha đất cảng của Cty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, một doanh nghiệp trong nước làm ăn có hiệu quả được tỉnh Quảng Ngãi cấp cho 23 ha đất làm cảng phục vụ chung cho KKT Dung Quất trong năm 2012, nếu không có 23 ha đất đó thì dự án thép mở rộng của Quảng Liên không thể hình thành được?
Một bài toán đặt ra, nếu Quảng Liên có được 23ha đất của Cty Hào Hưng liệu dự án có khả thi. “ Không ai dám chắc 100% là khả thi và phải có độ rủi ro”, ông Lê Xuân Dũng – Phó trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất cho biết.
Bản thân cán bộ, người dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến thời điểm này đều ngán Nhà máy thép Quảng Liên đến tận cổ bởi dự án thu hồi hàng trăm ha đất của dân rồi bỏ hoang suốt 6 năm qua không làm gì một cách vô cùng lãng phí.
“Từ khi dự án nhà máy thép Quảng Liên đầu tư đến nay người dân chưa được lợi cái gì”, ông Phạm Đình Chí – Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết.
Một thực tế nhìn thấy rõ tại Bình Sơn, sau khi bàn giao đất sản xuất cho doanh nghiệp, người dân nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu tiền đền bù về xây được cái nhà là hết, thậm chí nhiều gia đình còn không đủ tiền xây nhà. Nhưng hệ lụy lớn nhất từ Nhà máy thép Quảng Liên hiện nay là hàng trăm hộ dân bị giải tỏa đất sản xuất nông nghiệp cho dự án đều trong cảnh thất nghiệp không có việc làm, một số khác còn lại diện tích ruộng ít ỏi nhưng do bị ngập úng khi Nhà máy thép xây tường bao, đổ đất nên cũng đành phải bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Đông (Bình Sơn) buồn bã tâm sự. “Diện tích đất mà xã Bình Sơn phải giao cho Quảng Liên là 220 ha (năm 2007), chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Không có đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo đến năm 2015 của người dân là rất cao. Trong quá trình thi công Nhà máy thép Quảng Liên, đơn vị không tạo dòng chảy làm ngập cục bộ vào mùa mưa ở thôn Tân Hy, con em trong thôn đi học phải lội qua ngập tới rốn nhìn tội lắm anh ạ!”.
Đang “đánh vật” đi qua khu mà Nhà máy thép Quảng liên “ngăn sông cấm chợ”, ông Trần Ngọt, thôn Tân Hy, xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bức xúc: Thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của dân, giờ bỏ hoang, nhà máy chưa triển khai nhưng xây tường bê tông bít cả lối đi của dân. Không những thế, nhà đầu tư còn đào mương nước cạnh đó, mùa mưa làm ngập cả ruộng của dân, các cháu đi học khổ lắm. Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần giải quyết dứt điểm dự án này, chứ cứ “ngâm tôm” như này mãi thì kỳ lắm.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.
Vũ Quang
Theo baoxaydung.com.vn