Ồ ạt trồng cao su vào thời điểm giá mủ cao su đạt đỉnh, bất chấp việc kiểm tra vấn đề thích ứng của thổ nhưỡng, khí hậu, bất chấp chất lượng giống ra sao để rồi sau đó, những vườn cao su này lại bị chặt bỏ vì không cho mủ.
Người dân phá bỏ cao su vì không có mủ
Thôn Hoàng Yên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) được xem là một trong những địa phương phát triển cây cao su tiểu điền mạnh của tỉnh Gia Lai. Vậy mà bây giờ, những hàng cao su thẳng tắp gần 10 năm tuổi đang bị đốn hạ.
Gần 30 hộ dân trong thôn đã chua xót chặt bỏ vườn cao su của mình (diện tích cao su bị chặt bỏ của thôn lên đến hàng trăm héc-ta), chỉ vì mỗi lý do: Cao su đến tuổi thu hoạch nhưng không có mủ hoặc có nhưng rất ít.
Nông dân Phạm Văn Mạnh là một trong những ví dụ điển hình: 5 ha cao su được gia đình anh đầu tư trồng, chăm sóc 8 năm liền. Đây là niềm hy vọng lớn bởi diện tích này đến khi thu hoạch, gia đình anh sẽ trở thành tỷ phú. Vì vậy mà anh không hề tiếc cả công sức lẫn tiền của để đầu tư vào vườn cây. Thế nhưng đến khi đặt dao cạo, cây cao su cứ… đứng trơ mà chẳng cho giọt mủ nào. Vậy là chặt.
Anh Mạnh cho biết: Chưa kể chi phí san ủi chuẩn bị đất, rồi mua cây giống, thuê người trồng cho đến chi phí xăng dầu, nước tưới, công chăm sóc,… chỉ tính riêng phân bón cho 5 ha cao su đã hết 125 triệu đồng. Mấy năm đầu, khi cây còn nhỏ thì bón phân ít. Khi cây bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch phải dồn sức bón thúc cho cây để cạo mủ, thời gian này kéo dài khoảng 3 năm.
Bỏ công sức, tiền của ra để trồng, chăm sóc như vậy được xem là “chưa đủ” nên bây giờ, gia đình anh phải bỏ thêm tiền để… thuê công chặt hạ. Trước mắt, anh Mạnh chỉ đủ tiền thuê chặt bỏ 3 trong 5 ha cao su của gia đình.
Ngoài ra, còn phải thuê người đào gốc với giá 11.000 đồng để đào một gốc cao su (mất khoảng 40 triệu đồng để đào gốc cho 3 ha). Tiếp đó là xử lý đất, đào hố và các bước khác để trồng cà phê…
Báo cáo từ Phòng NN-PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Đã có gần 30 ha cao su tiểu điền của toàn huyện đã bị nông dân chặt bỏ. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở huyện Đăk Hà. |
Hầu hết những người trồng cao su tiểu điền ở đây đều thừa nhận: Do thấy giá mủ cao su tăng đột biến nên bà con khai hoang (thậm chí là chặt bỏ những loại cây trồng khác) để trồng cao su, trong khi không một ai nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, không được tư vấn; giống cây thì mua trôi nổi ở các nhà vườn mãi tận Bình Phước.
Bà Mỵ có 4 ha cao su đang phải chặt hạ cho biết: Thấy người dân Bình Phước lên đây thuê đất trồng cao su, họ nói giống bên đó tốt, vậy là tôi gửi mua và học kỹ thuật của họ để trồng.
Ở thôn Hoàng Yên, những người còn chút tiền như anh Mạnh thì thuê người chặt bỏ vườn cao su để tiếp tục hành trình “chuyển đổi giống cây trồng” một cách tự phát, thiếu định hướng. Có không ít những hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người” vì không có tiền thuê công phá bỏ vườn cây. Vậy là, nhiều người khác vào mua vườn cây để sử dụng vào mục đích khác.
Chị Nguyễn Thị Huệ (cùng thôn Hoàng Yên) và anh trai vừa chung tiền mua 3 ha cao su 7 năm tuổi của một chủ vườn không có khả năng thuê công chặt bỏ. Chị cho biết: Mua 3 ha này chỉ tính giá đất mà không tính giá trị vườn cây. Sau khi thuê người tỉa cành, chặt ngọn cao su, chừa lại thân cây cao khoảng 3 m, lại thuê công xử lý đất, đào hố, bỏ phân để xuống giống tiêu, tận dụng cây cao su làm trụ cho dây tiêu bám lên sau này.
Làm việc với UBND xã Ia Phìn, Phó Chủ tịch xã Trần Văn Duân, cho biết: Xã có 29 hộ trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích trên 110 ha, chủ yếu trồng từ năm 2005-2006. Hộ nhiều nhất có trên 9 ha, hộ ít nhất 1 ha, phần đông là 3-5 ha mỗi hộ.
Về nguyên nhân chặt bỏ vườn cao su, theo ông Duân thì: Phần lớn diện tích cao su nông hộ trên địa bàn không có mủ hoặc có rất ít, thêm vào đó là sâu bệnh ngoài tầm kiểm soát của chủ vườn nên phải chặt bỏ. “Tất nhiên một phần do giá mủ cao su xuống quá thấp", ông Duân thừa nhận.
Huyện Chư Prông có trên 34.000 ha cao su, trong đó có trên 31.000 ha của các DN, còn lại là cao su tiểu điền. Không riêng gì Ia Phìn mà nhiều xã khác trong huyện có cao su tiểu điền đều có hiện tượng người dân chặt bỏ cây cao su như Ia Băng, Ia Pia… Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy.
Tại xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), thời gian qua cũng đã có hàng chục héc-ta cao su tiểu điền bị nông dân chặt bỏ, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như cà phê, bời lời… Hầu hết vườn cây bị chặt bỏ đang ở tuổi cho mủ (cao nhất là 20 năm tuổi).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sa Nhơn, nói: Nếu chăm sóc và khai thác theo đúng quy trình thì vườn cây kéo dài từ 30-35 năm.
Cũng theo ông Cường việc nông dân chặt bỏ cây cao su vì nhiều nguyên nhân: Ngoài việc khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, làm cây đứt mủ thì thời gian qua, giá mủ cao su xuống thấp cũng làm cho nhiều chủ vườn không khỏi lo lắng.
Theo Nongnghiep
Theo