(Xây dựng) - Đây là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại phiên thảo luận ở tổ chiều 08/7 trong kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa VIII. “Đối với các vùng cho dù đó là quy hoạch công viên hay trường học, nhưng khi Nhà nước chưa tổ chức, chưa thực hiện thì mọi quyền lợi chính sách của người dân phải được đảm bảo như là cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mọi giao dịch đều thực hiện bình thường”, ông Tín nhấn mạnh.
Hạ tầng giao thông TP được điểu chỉnh bằng việc xây dựng cầu vượt ở các nút giao thông khác mức.
Quản lý quy hoạch theo quy chế riêng
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TP khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, đến nay TP đã phủ kín quy hoạch 1/2000 với 625 đồ án quy hoạch, trong đó điều chỉnh lập mới 283 đồ án.
Tuy nhiên, để quản lý có hiệu quả về mặt quy hoạch, xây dựng đô thị thì cần phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Điều này đòi hỏi phải có thời gian và kinh phí lớn trong khi yêu cầu về quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng là rất cần thiết. Trước tình hình đó, UBND TP đã chỉ đạo cơ quan chức năng căn cứ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị (quy chế cấp 1). Bên cạnh đó, cũng căn cứ vào các đồ án quy hoạch 1/2000 để quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị (quy chế cấp 2). Mặt khác, cũng lập quy chế quản lý riêng cho các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử nhằm bảo tồn, giữ gìn và tôn tạo.
“Trong quá trình thực hiện, phải điều chỉnh quy hoạch những nơi không khả thi cho phù hợp với thực tế, những chỗ nào không điều chỉnh thì cũng phải giữ để bảo đảm sự phát triển bền vững cho TP. Vấn đề liên quan tới giao thông, cầu đường, biệt thự, trường học, cây xanh… những vấn đề đó không thể không có trong quy hoạch và những định hướng phát triển của TP. Vấn đề đặt ra là giữ như thế và quyền lợi của người dân như thế nào, chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân khi thực hiện quy hoạch đó. Đối với các vùng cho dù đó là quy hoạch công viên hay trường học, nhưng khi Nhà nước chưa tổ chức, chưa thực hiện thì mọi quyền lợi chính sách của người dân phải được đảm bảo như cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Mọi giao dịch đều thực hiện bình thường, vấn đề còn lại là tâm lý người dân sống trong vùng quy hoạch đó”, ông Tín nhấn mạnh.
Điều chỉnh những quy hoạch không khả thi
Khi điều chỉnh quy hoạch những khu vực đông dân cư thì phải cân nhắc kỹ khi tính toán trong quy hoạch. Ông Tín lấy ví dụ, trong quy hoạch là đường 10m nhưng khi dân cư phát triển lên, theo quy luật thì dân số gia tăng hạ tầng phải mở, nếu không mở thì sẽ ách tắc giao thông. Bài toán đặt ra mở giao thông là mở như thế nào, bây giờ chưa mở được thì tạm phóng đường đó trong tương lai lên 20m (thực tế mới 10m) thì mới đảm bảo được mật độ dân số ổn định tham gia giao thông trong khu vực. Mở mỗi bên 5m trong điều kiện như hiện nay vô cùng khó vì phải di dời một lượng dân cư rất lớn mà kinh phí của ta lại hạn hẹp, đây là điều bất khả thi. Chính vì vậy, TP đã thống nhất, ngoài những đường huyết mạch, đường trục, đường xuyên tâm, một số nút giao thông lớn thì bố trí điều chỉnh theo quy hoạch còn lại là chấp nhận theo hiện trạng.
Ông Nguyễn Hữu Tín cũng nhấn mạnh: “Nếu ở trong nội thành có làm đường làm công viên thì chỉ khi nào chúng ta làm trọn một ô phố. Vừa rồi chúng ta cho làm thí điểm ở Q.1, Q.5 một số ô phố. Khi chúng ta điều chỉnh cái này thì chúng ta sẽ “khoét rỗng ô phố”, xây dựng nhà cao tầng, điều chỉnh lại và dành diện tích đất đó cho giao thông, công viên. Chứ không phải di dời dân làm hạ tầng làm công viên là vô cùng khó. Trong chỉ đạo sắp tới chúng tôi bám sát theo định hướng này để chỉ đạo làm với từng quận huyện”.
Cao Cường - Mai Thanh
Theo