(Xây dựng) - Đó là khẳng định của ông Vũ Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc TCty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5/4.
Ông Vũ Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội.
Ông Hùng cho biết, dự báo năm 2016, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, tình trạng lưới điện truyền tải bị xuống cấp cũng sẽ gây khó khăn cho công tác giảm tổn thất điện năng. Những yếu tố này gây áp lực lớn đối với đầu tư xây dựng hệ thống điện, phải đầu tư rất lớn để phủ đỉnh phụ tải song chỉ khai thác tối đa trong 3 tháng mùa hè.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải trung bình trên địa bàn quản lý của Công ty năm 2016 khoảng 10,8% công suất dự kiến. Dự báo công suất và sản lượng trung bình tăng 10% so với 2015, sản lượng đỉnh tăng 12-13%. Ông Hùng cũng cam kết đảm bảo cung ứng tốt nhất cho các thành phần kinh tế-xã hội trong mùa hè 2016 nói riêng và trong tương lai nói chung.
Hà Nội là nơi có phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng cao nhất trong cả nước, chiếm trên 55% tổng nhu cầu điện. Đây là đối tượng phụ tải điện biến động bất thường, hết sức nhạy cảm đối với tình hình thời tiết 4 mùa ở khu vực Bắc Bộ. Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, càng làm cho mức tăng trưởng phụ tải điện trong những năm gần đây ngày càng lớn.
Theo ông Hùng, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tháng 3 thời tiết mưa phùn kéo dài ảnh hưởng đến công tác vận hành, trong tháng 9 những đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt trong những ngày cuối tháng nhiệt độ trung bình tăng cao đột biến. Tuy vậy, theo báo cáo của tổng công ty điện lực HN, đơn vị này đã đảm bảo điện an toàn liên tục phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Cũng tại buổi giao ban, bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận tổ quốc Hà Nội-Phó trưởng ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hà Nội cho biết, ước tính tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 21.600 tỷ đồng; phối hợp với các Sở, ngành trình UBND TP tổ chức 47 hội hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm, hội chợ xuân trên địa bàn TP; tổ chức 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết tại 9 huyện, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân với quy mô từ 60-70 gian hàng/điểm; tổ chức 184 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã; triển khai bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm bán hàng…
Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận tổ quốc Hà Nội-Phó trưởng ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hà Nội.
Trong công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, 3 tháng đầu năm lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 2.132 vụ, xử lý 2.107 vụ, tổng số tiền thu nộp gần 31,5 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu hơn 6,3 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 8 tỷ đồng; trị giá hàng tái xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Kim Oanh cũng thừa nhận còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình đến đông đảo người tiêu dùng; chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.
“Một số đơn vị, sở, ngành chưa quan tâm đến việc triển khai, thực hiện cuộc vận động, một số đơn vị chưa chủ động báo cáo kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động ở đơn vị mình về Ban Chỉ đạo cuộc vận động của Thành phố. Trên thị trường vẫn xảy ra những vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng”, bà Oanh nhấn mạnh.
Quốc Bình
Theo