Thứ sáu 20/09/2024 01:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Đại xòe Nghĩa Lộ - “Tinh hoa từ huyền thoại”

19:42 | 28/09/2019

(Xây dựng) - Những ngày công tác ở vùng cao miền Tây Yên Bái, lúc rảnh rỗi tôi hay lang thang xuống các bản người Mông, người Thái vừa chơi, vừa tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục nơi đây. Hình ảnh hay gặp nhất thời gian này là những người đàn ông ngồi trước những ngôi nhà sàn chăm chút và thử những chiếc khèn bè, thi thoảng lại đứng lên nhún nhảy và thổi lên những tiếng khèn như những khúc du ca của núi rừng Tây Bắc.

Có người cầu kỳ để làm được cây khèn tốt họ phải lặn lội vào rừng tìm được những cây Pơ mu to và thẳng, cắt khúc dày 80 đến 90 cm, bổ đôi, khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt cho nhựa tự kết dính lại với nhau. Những đoạn gỗ tươi được để khô trên gác bếp rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân cây để lồng các ống trúc vào, ống làm khèn gồm 6 ống trúc lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau là những ống trúc thẳng và đẹp, họ cho biết 6 ống trúc được xếp gọn song song với nhau trên thân khèn tương tự cho tình anh em tụ họp. Hỏi ra mới biết mọi người nơi đây đang chuẩn bị cho lễ hội Đại xòe diễn ra tại Nghĩa Lộ sắp tới.

Bất chợt nhớ đến mấy bữa đi qua, cánh đồng Mường Lò những bông lúa chín vàng trĩu nặng đã dược gặt vãn, lộ ra những khoảnh đất trồng hoa đầy màu sắc, đó cũng là dấu hiệu báo hiệu mùa xòe bắt đầu mở ra.

Nghĩa Lộ là một thị xã nhỏ ở miền Tây tỉnh Yên Bái, nằm lọt thỏm trong huyện Văn Chấn với 12 tộc người sinh sống, nhưng chủ yếu là người Thái chiếm tới 44%. Nơi đây nổi tiếng không chỉ với cánh đồng Mường Lò lớn thứ 2 ở vùng miền núi Tây Bắc mà còn là nơi có khí hậu khá ôn hòa, địa hình tương đối bằng phẳng, như một lòng chảo giữa những miền núi cao, với những hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, dệt thổ cẩm... Và đặc biệt hơn nữa là điệu xòe Thái uyển chuyển kèm theo những tiếng khèn bè réo rắt mời gọi bạn tình. Những điệu xòe như là một món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Đen Mường Lò.

Theo sách “Quám tổ mương” thì “Xòe” có nghĩa là “Chuyện bản Mường” của người Thái Đen Tây Bắc có nghĩa là “Xe”, còn có tên khác là “Xe khăm khen (Múa cầm tay)”, xòe cổ là “Xe cáu ké” nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái. Nó gắn bó với người Thái trong cuộc sống hằng ngày, trong từng hơi thở trở thành một phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa vùng miền… Còn nhớ ngày còn ở đơn vị chủ lực năm nào cũng lên diễn tập ở đồi Pú Lo, những ngày làm thao trường ở nhờ nhà những người đồng bào Thái, đêm nào cũng được mời rượu bằng bát và được xem những điệu xòe tại sân. Trong men rượu lâng lâng, dưới ánh trăng huyền ảo, bên ánh lửa bập bùng giữa sân, không phân biệt già trẻ, gái trai, thân sơ tất cả cùng nhau nắm tay nhảy múa, chúng tôi những buổi đầu còn đứng ngoài chiêm ngưỡng, về sau cũng ngượng ngịu vào nắm tay múa cùng điệu xòe “Khắm khen” dù rằng bắt chước nhưng chẳng ra điệu gì. Thế nhưng chỉ cần được vui là thấy thích rồi. Lâu rồi tôi không được về đất Mường Lò để cùng những người dân tộc Thái nơi đây nhún nhảy những điệu xòe kết tình thân ái.

Người Thái quan niệm rằng “Không xòe không lúa tốt, không xòe thóc cạn bồ”, múa xòe là biểu tượng tình yêu của họ, từ tình yêu quê hương đất nước, đến tình yêu đôi lứa, yêu cuộc sống lao động cần cù.

Người Thái có 6 điệu xòe cổ, là khởi nguồn của nghệ thuật dân vũ đồng bào Thái. Điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.

Điệu xòe thứ hai là điệu “Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn.

Điệu xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu Tung khăn. Cùng với những chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vô bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.

Điệu xòe “Đổn hôn”, điệu xòe tiến lùi, lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Những động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.

Tiếp theo phải kể đến điệu xòe “Khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.

Và cuối cùng là điệu “Ỏm lọm tốp mư” - là điệu xòe vòng tròn vỗ tay. Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, biều hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.

Du khách đến với Nghĩa Lộ, ngồi trên nhà sàn vừa uống rượu, vừa xem múa xòe ngắm nhìn sự nhịp nhàng uyển chuyển của đôi chân những cô gái Thái theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt, những điệu xòe làm cho du khách dễ hòa nhập, múa xòe làm cho người lạ bỗng thành quen, vừa nghe hát dân ca nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín thì cảm giác thư thái tuyệt vời. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống với niềm tin yêu trong sáng vô hạn. Đồng thời khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ khó lường của xòe tay, cầm tay quyện tròn xung quanh đống lửa hồng rực sáng.

Con gái Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động, mặc áo bó từ nhỏ. Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ. Con gái Thái cũng rất khéo tay khi may thêu vải thổ cẩm – sản phẩm thể hiện tâm hồn dịu dàng, trong sáng nhất mà phụ nữ Thái vừa thầm lặng, vừa kiêu sa bày tỏ. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Phụ nữ Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc)… Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng.

Cùng với múa xòe thì phải đi kèm với những tiếng khèn bè. Nếu múa xòe không có tiếng khèn bè như canh không có muối nhạt nhẽo vô cùng… Khèn bè là nhạc cụ chính cho các màn múa xòe. Vì thế, trong các cuộc vui múa xòe không thể thiếu tiếng khèn bè. Tiếng khèn bè đã thôi thúc người ta bước vào vòng xòe với những vũ điệu ngất ngây, chan chứa tình người. Chính vì thế những ngày này đi đến bản làng nào tôi cũng thấy những người đàn ông chăm chút cho chiếc khèn của mình để tạo ra những âm thanh hay nhất, du dương nhất để khi thổi lên những âm điệu của núi rừng tạo cảm hứng cho những người con gái Thái xinh đẹp da trắng hồng tựa như hoa ban nở, xòe say trong men rượu nếp Mường Lò, để mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, xòe dưới ánh trăng man mác, vừa rót cho nhau chén rượu thơm nồng từ hương nếp mới, cùng chúc nhau say đến mềm môi.

Người Thái quan niệm rằng múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau cười vui để bớt sầu lo, để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe hoa. Chính vì thế mà năm 2013 màn Đại xòe đông nhất lên đến 3.000 người tham gia. Năm nay, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công một Đại xòe quy mô nhất từ trước đến nay, với số người đông kỷ lục lên đến 5.000 người tham gia. Năm 2012, 6 điệu xòe cổ của người Thái ở Nghĩa Lộ đã được Nhà nước ta công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Mường Lò, Nghĩa Lộ đã tạo nên một văn hóa, phong tục xòe truyền thống trường tồn và không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc nơi đây. Nào chúng ta hãy đốt lửa lên, mặc cho sương rơi, mặc cho trăng lặn, trăng tàn, hãy nắm tay nhau cùng bước vào vòng xòe. Nổi chiêng trống lên, ta cùng nhau xòe, xòe cho hết đêm đến sáng mừng cho mùa vụ năm nay được mùa, ngô lúa đầy thưng, đầy sàn…

Nếu bạn có dịp hãy ghé qua mảnh đất nhỏ bé vùng cao Tây Bắc, đất Mường Lò Nghĩa Lộ để thưởng thức những điệu xòe say đắm, ngất ngây với tiếng khèn bè, hòa mình vào với thiên nhiên xứ Tây Bắc tuyệt vời này, rồi tiện đường lên thưởng thức mùa Vàng trên Mù Căng Chải với những ruộng bậc thang lúa chín vàng óng ả, để lượn dù trên cao ngắm trời đất bao la…

Nguyễn Công Đức (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load