Thứ sáu 29/03/2024 22:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đại tướng Phùng Quang Thanh - vị tướng trưởng thành qua chiến đấu

16:11 | 11/09/2021

Hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

dai tuong phung quang thanh vi tuong truong thanh qua chien dau
Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. (Nguồn: AFP)

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 3 giờ 45, ngày 11/9/2021, tại nhà riêng.

Vị tướng trưởng thành qua chiến đấu

Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh ngày 2/2/1949 tại Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc, trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng.

Cha ông là một chiến sỹ cách mạng kiên trung, dù bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và hy sinh năm 1950.

Kế thừa truyền thống cách mạng của gia đình, ông tham gia cách mạng từ rất sớm, ông nhập ngũ năm 1967 khi mới tròn 18 tuổi và từng bước trưởng thành thành một chiến sĩ cộng sản quyết đoán, bản lĩnh, mưu lược và quả cảm.

Một năm sau khi nhập ngũ, ngày 11/6/1968, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được trao quân hàm Đại tướng tháng 7/2007.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường; trong đó có gần 10 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Trong cuốn sách "Trường Sơn huyền thoại" của Thiếu tướng Hoàng Kiền có viết về chiến dịch Đường 9 Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), mà qua chiến dịch này Đại tướng Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 30/1/1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực Đường 9 bắt đầu. Địch huy động tới hơn 4 vạn quân chủ lực ngụy quyền và 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất với số lượng lớn binh khí kỹ thuật.

Quân ta mở chiến dịch phản công quy mô lớn. Ngày 11/2/1971, ông khi đó là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên.

Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Ông đã chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên địch, đẩy lùi địch ra xa, riêng ông diệt 8 tên.

Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, ông bị thương và được cho lui về tuyến sau nhưng ông xin ở lại chiến đấu.

Ông nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn, đeo quanh người, nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội ông chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng...

Nhiều năm đảm nhiệm cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trên các cương vị, chức trách được giao, đặc biệt là cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; luôn đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đối với Quân đội và Dân quân tự vệ; tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều quyết sách quan trọng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng…

Hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển, trưởng thành của quân đội.

Với những chiến công hiển hách và công lao to lớn đó Đảng, Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Chiến công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Huân chương Kháng chiến hạng Ba…

Tóm tắt tiểu sử

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (6/2006-4/2016); Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.

Tháng 7/1967-7/1970: Đảng viên, chiến sỹ, Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Tháng 8/1970-10/1971: Chi ủy viên, Thiếu úy, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Đại đội 9 thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Tháng 10/1971-6/1972: Học viên Trường Sỹ quan lục quân 1.

Tháng 7/1972-12/1976: Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 B, sau đó là học viên đào tạo tại Học viện Quân sự.

Tháng 12/1976-4/1979: Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, sau đó là học viên văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đoàn 1.

Tháng 5/1979-12/1982: Phó Trung đoàn trưởng rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B.

Tháng 1/1983-12/1983: Học viên Học viện thực hành Liên Xô.

dai tuong phung quang thanh vi tuong truong thanh qua chien dau
Đại tướng Ngô Xuân Lịch trò chuyện thân mật với Đại tướng Phùng Quang Thanh năm 2019. (Nguồn: qdnd.vn)

Tháng 12/1983-8/1986: Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Sau đó là học viên học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự và Học viện Quân sự cao cấp khóa VIII.

Tháng 9/1986-7/1988: Đảng ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy rồi phụ trách Sư đoàn 390, sau đó là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

Tháng 8/1988-7/1989: Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, sau đó học tiếng Nga tại Học viện Kỹ thuật quân sự.

Tháng 8/1989-1/1991: Học viên Học viện Vôrôsilốp, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô, sau đó là học viên tại Học viện Quân sự cao cấp.

Tháng 2/1991-8/1993: Đại tá, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, sau là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

Tháng 9/1993-1/1998: Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, sau đó học chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị-Quân sự.

Tháng 2/1998-5/2001: Thiếu tướng rồi Trung tướng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 1; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX (tháng 4/2001).

Tháng 6/2001-4/2006: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Trung tướng rồi Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/2006-7/2007: Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 6/2006).

Tháng 7/2007-4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, khóa XI, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng./.

dai tuong phung quang thanh vi tuong truong thanh qua chien dau

Theo Phương Phương (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load