(Xây dựng) – Ngày 8/6, tại Hội trường Trung tâm văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Đống Đa (Hà Nội), Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Đại hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2023-2028 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội, các cơ quan ban, ngành… cùng sự góp mặt của 191 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 17.000 đoàn viên Công đoàn ngành.
Ông Võ Nguyên Phong – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Đại Hội. |
Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn đan xen. Cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Xây dựng đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, công tác, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội nhằm kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, khóa XIII; xác định mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trong 5 năm tới (2023-2028).
Theo đánh giá của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, với 92 Công đoàn cơ sở (CĐCS) hoạt động trên khắp địa bàn Thủ đô với tổng số 17.070 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Trong đó nữ là 7.580 người; Đoàn viên Công đoàn 16.275 người (trong đó nữ 7.144 người). Trong đó 07 CĐCS cơ quan Hành chính sự nghiệp (HCSN); 09 CĐCS doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và 76 CĐCS khu vực ngoài Nhà nước (Công ty cổ phần, Công ty TNHH, Hợp tác xã).
Đặc thù của ngành Xây dựng Hà Nội có số lượng CNVCLĐ rất lớn, số lượng cơ quan, DNNN ít chiếm tỷ lệ 17%, số doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhiều chiếm tỷ lệ 83%, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh đa ngành, làm việc phân tán, sức cạnh tranh chưa cao; CNVCLĐ có tuổi đời bình quân trẻ hơn, trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề khá hơn trước, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến nhưng còn nhiều hạn chế là: thiếu thợ bậc cao, nghiệp vụ giỏi; trên 60% CNLĐ là hợp đồng thời vụ, trình độ văn hóa chưa cao, hiểu biết pháp luật hạn chế... trình độ tay nghề của không ít lao động trẻ còn thấp; bậc thợ bình quân hiện nay khoảng 4/7. Vẫn còn tồn tại một bộ phận CNLĐ trông chờ ỷ lại, khó đáp ứng yêu cầu xây dựng công trình, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Các yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống CNVCLĐ từ cơ sở đến ngành.
Mặc dù khó khăn như vậy, toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn ngành đã nỗ lực, tổ chức các hoạt động sôi nổi, phong phú và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu mỗi năm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Tư tưởng CNVCLĐ luôn kiên định trong những năm qua; đời sống, việc làm, thu nhập của đa số CNVCLĐ tương đối ổn định; các chế độ chính sách được đảm bảo, người lao động yên tâm công tác, không có tranh chấp lao động lớn, chưa xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, lãn công, bãi công, đình công, không xảy ra sự cố chất nổ, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.
Trong 5 năm qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ thể hiện rõ vai trò nòng cốt, đi đầu trong phong trào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành. Công đoàn ngành luôn bám sát vào chức năng nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam và nhiệm vụ chính trị, luôn đổi mới, sáng tạo, nhiều phong trào thi đua và nội dung hoạt động đã được nhân rộng trong đoàn viên, công nhân viên chức, lao động đã được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội và Đảng ủy Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá cao, cụ thể:
Công đoàn ngành đã chủ động, kịp thời, tích cực tham gia với cơ quan chức năng xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và CNVCLĐ. Thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật BHXH, BHYT, Luật Việc làm; Bộ luật Lao động (BLLĐ) và Luật Công đoàn (năm 2012); Nghị định số 191/NĐ-CP về thu kinh phí công đoàn; Nghị định số 23/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ đối với lao động nữ; nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Tổ chức, tuyên truyền vận động CNVCLĐ tham gia cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Dân sự... đã có 7.075 bài dự thi của cán bộ, đoàn viên và người lao động. Tích cực tham gia với chuyên môn đồng cấp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế thuộc địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động, nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIII tái đắc cử chức danh Chủ tịch Công đoàn ngành khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 – 2028. |
Các cấp Công đoàn trong ngành chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham gia đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, sắp xếp lao động; tham gia xây dựng định mức lao động, xây dựng và triển khai thực hiện thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ; chủ động tham gia với chuyên môn tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh; Đến nay, có trên 65% doanh nghiệp đã ban hành thang lương, bảng lương mới; số đơn vị còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng ưu tiên để trả lương và trích nộp Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hiện nay, tỷ lệ người tham gia các bảo hiểm nói trên đạt trên 90% so với tổng số lao động.
Trong 5 năm, đã có 14.292 lượt CNVCLĐ được Công đoàn ngành và CĐCS trợ cấp với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; nhân dịp Tết Nguyên đán Công đoàn ngành đã tổ chức tốt chương trình “Tết sum vầy”; các hoạt động nhân dịp “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động” được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Được sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, quỹ xã hội của Công đoàn ngành, sự chung tay của các đơn vị trong ngành, Công đoàn ngành đã xây dựng 22 “Mái ấm công đoàn” cho các gia đình CNLĐ trong ngành, trị giá 210 triệu đồng. Vận động CNVCLĐ và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố xây dựng 01 nhà mái ấm trị giá 30 triệu/nhà cho CNLĐ nghèo có hoàn cảnh khó khăn thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Quảng Ninh; phụng dưỡng 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với mức từ 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng. Phối hợp với Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho 13 lượt người lao động vay vốn (mức vay thấp nhất từ 20 triệu đồng/người) để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời các cấp Công đoàn ngành tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình CNVCLĐ là Thương binh, con Liệt sỹ nhân ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 với trị giá 1,3 tỷ đồng. Qua các hoạt động đó, Công đoàn ngành gắn bó với CĐCS và CNVCLĐ, uy tín của tổ chức Công đoàn không ngừng được nâng cao.
Công tác chăm lo cho trẻ em là con CNVCLĐ cũng được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm, hàng năm đã tổ chức thăm hỏi tặng quà cho 216 cháu bị nhiễm chất độc hoá học, bị tật nguyền, nhiễm chất độc Dioxin, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là 216 triệu đồng/năm; Khen thưởng cho 1.812 lượt các cháu học sinh giỏi nhân dịp kết thúc năm học với số tiền hơn 600 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng con CNVCLĐ đạt học sinh giỏi và tặng quà 1/6 và Tết Trung thu cho trên 12.000 lượt cháu, trị giá trên 2 tỷ đồng.
Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt Đại hội. |
Các cấp Công đoàn và chính quyền cơ sở luôn quan tâm phong trào thi đua, hưởng ứng các phong trào do Thành phố và ngành phát động. Các phong trào thi đua của ngành như: phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi; thi đua "Người tốt - Việc tốt”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo An toàn - Vệ sinh lao động”, “Sáng kiến sáng tạo”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong sản xuất, công tác; giành danh hiệu “công nhân giỏi”, "giỏi việc nước - đảm việc nhà"; "Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc trong CNVCLĐ ngành Xây dựng", Thực hiện các Năm trật tự văn minh đô thị, Năm kỷ cương hành chính", "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện cải cách hành chính, quan tâm tạo cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, tay nghề cho CNVCLĐ được duy trì và đổi mới.
Từ đó đã nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong lao động sản xuất, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân giỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận được công nghệ mới, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, lao động có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Quang Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ghi nhận những đóng góp cùng với kết quả mà Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Mặc dù có nhiều biến động của tình hình kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn, tuy nhiên, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dụng Hà Nội đã luôn cố gắng, đổi mới, sáng tạo với phương châm “Hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên”. Thời gian tới, để hoạt động ngành Công đoàn tiếp tục phát triển vững mạnh, cấp Công đoàn ngành tiếp tục tập trung công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên, người lao động, động viên tinh thần đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Toàn cảnh Đại hội. |
Ông Võ Nguyên Phong – Thảnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn ngành nhiệm kỳ qua, đó là sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của đội ngũ cán bộ Công đoàn từ ngành đến cơ sở đã tổ chức tốt nhiều các hoạt động tới đoàn viên người lao động. Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển” Ban Chấp hành Công đoàn khóa mới sẽ thực sự đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành khóa XIV và Đại hội Công đoàn các cấp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn ngày một lớn mạnh...
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 21 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV. Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIII tiếp tục được tín nhiệm, tái đắc cử chức danh Chủ tịch Công đoàn ngành khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và ông Phùng Văn Chung giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn ngành khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Đại hội đã bầu Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV gồm 5 đồng chí. Ông Phùng Văn Chung được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Song Phượng
Theo