(Xây dựng) – Vừa qua, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã Kỷ niệm 20 năm thành lập. Từ một cơ sở đào tạo nhỏ của Liên đoàn Lao động TP HCM, sau 20 năm, trường đã phát triển thành một trong những trường Đại học hàng đầu trong cả nước. Với mục tiêu sau năm 2037, trường sẽ lọt vào top 60 trường Đại học tốt nhất Châu Á.
GS. Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc.
Đi lên từ 6 “không”
Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những hiện tượng của việc cho phát huy tính tự chủ về tài chính trong giáo dục. Từ những ngày đầu thành lập (24/9/1997) trường bắt đầu với 6 cái “không”: Không nhà cửa, đất đai, không tài chính (chỉ có 500 triệu đồng ban đầu do Liên đoàn Lao động TP.HCM cấp để làm thủ tục thành lập, không nhân sự (bộ khung hành chính chỉ có 9 người). Không chương trình, giáo trình, tài liệu với cái tên trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng (ĐH TĐT). Nhưng chỉ 10 năm từ 2007 - 2017, trường đã trở thành tên tuổi quen thuộc và là biểu tượng cho sự hiện đại, chất lượng và đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam.
Trường đã xây dựng thành công hệ thống cơ sở vật chất trường học đồng bộ, đạt đẳng cấp quốc tế, đẹp và sạch sẽ, văn minh; sản phẩm khoa học - công nghệ của Trường đã vươn lên đứng đầu toàn quốc. ĐH TĐT được quốc tế công nhận là đại học lớn và uy tín, vào Top 200 trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới (UI Greenmetric World University Rankings), là trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn 3 sao/5 sao (QS Stars) và gần đây nhất, Tổ chức xếp hạng đại học độc lập của Việt Nam đã xếp hạng ĐH TĐT đứng Hạng 2 toàn quốc.
Đi đúng và đi nhanh
Nhờ có cơ chế tự chủ tài chính cùng với mục tiêu ban đầu nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân của TP HCM, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng để phục vụ hệ thống sản xuất, xã hội của các tỉnh thành phía Nam. Do vậy, với định hướng đó trường xác định mục tiêu trở thành một trường Đại học nghiên cứu có chất lượng trong khu vực.
Chỉ trong 10 năm (từ 2007 – 2017), ĐH TĐT có bước phát triển khá thần tốc đã trở thành một trung tâm giáo dục và khoa học công nghệ lớn cùa quốc gia. Năm 2007, trường có 9 phòng ban chức năng, 10 khoa 2 trung tâm công nghệ, 1 tạp chí tiếng Việt, quy mô bộ máy tăng gần 2 lần so với 10 năm đầu. Từ 2007 – 2017, trường đã xây dựng được một hệ thống giáo dục và khoa học công nghệ với 58 đơn vị trực thuộc, 6 khoa, 1 viện hợp tác quốc tế, 1 viện nghiên cứu, 1 quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, 17 trung tâm khoa học công nghệ, 3 cở sở trực thuộc và 1 Cty và 44 nhóm nghiên cứu khoa học – công nghệ trọng điểm.
Yếu tố thành công như ngày hôm nay đó là trường chú trọng thu hút nguồn chất xám cùa đội ngũ các nhà nghiên cứu là một trong những ưu tiên hàng đầu của ĐH TĐT tạo nên một môi trường thi đua về học thuật sôi nổi. Từ 9 người ban đầu, sau 20 năm, đội ngũ nhân sự phát triển 1.300 cán bộ, giảng viên, viên chức, hơn 50% có học hàm tiến sĩ, trong đó 198 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài.
Trường đã có 1.181 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế trong đó có 808 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. ĐH TĐT là ĐH duy nhất trên cà nước được USPTO cấp bằng sáng chế khoa học công nghệ, trong thời gian tới, trường đón nhận thêm 3 bằng sáng chế do USPTO cấp nâng tổng số lên 7 bằng sáng chế.
Đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nay trường có 22.000 ngàn sinh viên được đánh giá về năng lực và kỹ năng xã hội rất cao khi tốt nghiệp. Năm học 2015 – 2016, 98,15% sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp, trong đó có những ngành có 100% sinh viên có việc làm ngay trong quá trình thực tập, nhiều ngành sinh viên ra trường có có mức lương khởi điểm 1000USD/tháng như ngảnh bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, trường còn được sinh viên nước ngoài lựa chọn học tập tại trường ngày càng nhiều.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho ĐH TĐT.
Nhân Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, ĐH TĐT vinh dự được Thủ tướng quyết định trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể giảng viên - viên chức và sinh viên trường vì thành tích xuất sắc trong công tác, dẫn đầu Cụm thi đua của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2016.
Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho ĐH TĐT và Huân chương Lao động hạng Ba cho GS.Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Nhà trường; Th.S Trịnh Minh Huyền - Nguyên Phó hiệu trưởng và TS.Trần Trọng Đạo - Phó hiệu trưởng.
Tất cả không chỉ ghi nhận thành quả sau 20 năm không ngừng phấn đấu mà còn là động lực để tập thể giảng viên, sinh viên Nhà trường tiếp tục kiến tạo, phát triển cao hơn, phụng sự xã hội ngày càng tốt đẹp hơn theo đúng triết lý: “Vì sự nghiệp phát triển con người và một xã hội tăng trưởng ổn định, bền vững.”
Bùi Hiền
Theo