(Xây dựng) - Kể từ khi mới thành lập (ngày 17/9/1969), Trường Đại học Kiến trúc được giao nhiệm vụ đào tạo 4 loại hình cán bộ bậc Đại học cho ngành Xây dựng: Kiến trúc sư, Kỹ sư Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Kỹ sư Xây dựng công trình kỹ thuật Thành phố, Kỹ sư Kinh tế Xây dựng. Trường có 2 khoa: Khoa Kiến trúc và Khoa Kỹ thuật Xây dựng. Quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên mỗi khóa. 2 năm sau, Trường phát triển thành 4 Khoa: Khoa Kiến trúc, Khoa Đô thị, Khoa Xây dựng, Khoa Cơ bản. Quy mô tuyển sinh tăng dần đến 400 sinh viên mỗi khóa.
Những năm tiếp theo, Trường được mở thêm các ngành mới: Kỹ sư Xây dựng công trình ngầm, Kỹ sư Quản lý Đô thị, Mỹ thuật Công nghiệp. Từ năm 1990, Trường được giao đào tạo sau Đại học các ngành đang được đào tạo tại Trường. Từ mốc son này, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có bước phát triển vững chắc. Hiện nay, Trường có 10 khoa, 7 Trung tâm với 10 ngành học. Sự nghiệp đào tạo cán bộ của ngành Xây dựng lớn mạnh: Bộ Xây dựng hiện trực tiếp quản lý 2 Trường Đại học Kiến trúc, 2 Trường Đại học Xây dựng, 4 trường Cao đẳng Xây dựng trên toàn quốc, bảo đảm đào tạo đủ cán bộ bậc Đại học phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.
Theo PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) cho biết, Trường thường xuyên tổ chức và tham gia nhiều Workshop, hội thảo, hội nghị, cuộc thi quốc tế được đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao vì đã mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn đạt nhiều thành tích trong học tập nghiên cứu khoa học với các giải thưởng danh giá như giải thưởng Loa Thành, giải thưởng Holcim và đặc biệt là sinh viên đã đạt nhiều giải thưởng chuyên ngành quốc tế danh giá: Giải Vàng cuộc thi thiết kế “Kiến trúc và Nước” dành cho sinh viên ARCASIA năm 2017, giải Nhất của cuộc thi kiến trúc quốc tế “Thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm núi nổi tiếng Pulpit Rock” tại Na Uy…
Trách nhiệm của trường là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì thế, nhiệm vụ khá nặng nề, đặc biệt trong năm qua. Những người làm trong lĩnh vực giáo dục luôn có sức ép đặt ra trong tâm của mình, là phải làm sao để có thể truyền tải kiến thức của mình cho các thế hệ sau một cách hoàn thiện nhất. Ngày nay, sinh viên không giống như những năm trước nên buộc nhà trường phải có sáng tạo trong giảng dạy để thích ứng phù hợp.
Hàng năm, các cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn đạt nhiều thành tích trong học tập nghiên cứu khoa học với các giải thưởng quốc tế danh giá. Hiện tại có rất nhiều người hiện đang giữ vai trò quan trọng trong xã hội hay những doanh nhân thành đạt đều từng là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Cũng như có rất nhiều doanh nhân danh tiếng trên trường quốc tế cũng từng tốt nghiệp từ môi trường này. Có thể kể đến như đồng chí Phạm Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy…
Không thể phủ nhận nền giáo dục của thế hệ trước. Tuy nhiên, thế hệ hiện tại cũng được thừa hưởng không kém nền giáo dục chuẩn mực mà trường đang hướng tới. Thế hệ hiện tại có rất nhiều cơ hội để vươn cao, vươn xa mà trường tạo điều kiện cho họ. Bởi vì đội ngũ giảng viên của trường có chất lượng cao, tận tâm với nghề và yêu thương học trò, luôn tạo cơ hội cho học trò phát huy khả năng của mình.
Trường luôn tìm cách phát triển công tác hợp tác quốc tế để các em sinh viên được năng động và thích nghi hơn nữa trong thời đại mới. Trong thời gian tới, trường cũng có nhiều dự định tương lai như tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tinh giải, tiếp cận tốt với thị trường lao động, phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành và xã hội. Vấn đề hội nhập quốc tế sẽ được phát huy sâu rộng hơn nữa. Đồng thời đẩy mạnh quyền tự chủ, trao quyền và trách nhiệm cho các đơn vị toàn trường, tiếp cận lộ trình tự chủ đại học….
Đáp ứng nguồn nhân lực chuyên môn về số lượng và chất lượng cho ngành Xây dựng và các ngành kinh tế khác; Tạo lập cơ hội học tập phong phú, đa dạng, liên thông cho tất cả người học, tạo điều kiện để người học phát huy tối đa tiềm năng; Xây dựng thành công nội dung, chương trình đào tạo tiên tiến, gắn kết chặt chẽ đào tạo với khoa học công nghệ hướng tới hội nhập quốc tế; Đội ngũ giảng viên và cán bộ khoa học đạt trình độ khu vực, đồng thời thu hút nhân tài trong giảng dạy và nghiên cứu kho. Đến năm 2020, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao; phấn đấu, nỗ lực để hình thành một trường đại học mang bản sắc và văn hóa riêng biệt, lấy những giá trị cơ bản của con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững; đồng thời là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão được tự do trao đổi, khám phá, sáng tạo khoa học và học tập. |
Khánh Phương
Theo