Sau hai tháng mắc kẹt ở Ấn Độ vì đại dịch, doanh nhân Mushtaque Anfar cùng 7 thành viên khác trong gia đình đã trở về UAE trên một chiếc máy bay tư nhân.
Mushtaque Anfar là người có "visa vàng" ở UAE. Hàng chục năm trước, ông thành lập thương hiệu nước hoa của mình tại Ấn Độ. Tuy nhiên đến năm 2003, gia đình ông Mushtaque đã chuyển đến Dubai để mở rộng công việc kinh doanh.
Hiện tại, công ty có 40 đại lý và phân phối sản phẩm đến 32 quốc gia trên toàn thế giới.
Mỗi năm, ông Mushtaque thường trở về ngôi làng Hojai, bang Assam (Ấn Độ) để làm từ thiện và thăm mẹ mình. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay cũng không ngoại lệ. Tháng 3, ông cùng vợ và 7 người con cháu bay đến Assam với dự định lưu lại đây trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát mạnh mẽ đã khiến cả gia đình mắc kẹt ở ngôi làng phía đông bắc Ấn Độ trong gần 2 tháng.
Đến cuối tháng 5, ông Mushtaque đã quyết định chi 75.000 USD để thuê một chuyên cơ đưa gia đình trở về Dubai. Đây cũng là chiếc máy bay tư nhân đầu tiên hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Guwahati (bang Assam) - nơi không có các đường bay quốc tế.
Ông Mushtaque Anfar (thứ hai từ trái sang) cùng vợ và con cháu chuẩn bị lên máy bay rời Ấn Độ. |
Tháo chạy khỏi tâm dịch
Abdullah Anfar, con trai cả của ông Mushtaque, cho biết vé máy bay trở về Dubai của họ là ngày 25/4, đúng thời điểm UAE cấm các chuyến bay thương mại khởi hành từ Ấn Độ do lo sợ đại dịch.
"Thông thường chúng tôi sẽ bay đến Mumbai vì không có chuyến bay thẳng từ Guwahati tới UAE. Gia đình tôi cũng có một vài cửa hàng và nhà ở đó. Tuy nhiên vào thời điểm này, những thành phố đông đúc như Mumbai lại càng nguy hiểm", Abdullah nói.
Có "visa vàng" của UAE, vợ chồng ông Mushtaque cùng con trai út hoàn toàn có thể trở về trên các chuyến bay giải cứu công dân UAE. Tuy nhiên, vợ chồng Abdullah và 3 con trai của anh lại không có loại visa này.
"Hơn nữa, chúng tôi nghĩ tốt nhất là không nên bay với bất kỳ ai khác, vì sự an toàn của bản thân trong mùa dịch", Abdullah nói.
Xem xét mọi khía cạnh, cuối cùng, gia đình ông Mushtaque quyết định thuê một chiếc máy bay riêng cho chuyến đi kéo dài 6 tiếng đồng hồ từ Guwahati đến Dubai. Một người bạn của Abdullah, người thường xuyên di chuyển bằng máy bay tư nhân, đã giúp anh liên hệ với bên cung cấp dịch vụ.
Chuyến bay kéo dài 6 tiếng có giá 75.000 USD. |
"Máy bay tư nhân không có sẵn vì nhu cầu cao trong mùa dịch. Tôi đã phải đặt trước 10 ngày". Abdullah kể.
Theo Khaleej Times, mức giá đắt đỏ 75.000 USD cho 8 hành khách, trong đó có 4 trẻ em, phản ánh nhu cầu cao đối với loại hình dịch vụ này. Trên một máy bay thương mại thông thường, 8 vé hạng thương gia cho 4 người lớn và 4 trẻ em sẽ chỉ có giá khoảng 10.000 USD.
Không chỉ tháo chạy khỏi tâm dịch Covid-19, Abdullah nói rằng gia đình anh còn có nhiều lý do khác khi chi số tiền lớn cho máy bay tư nhân.
Cha tôi là người có lối sống giản dị nên tôi đã phải thuyết phục ông rất nhiều. Chúng tôi cần quay trở lại UAE nếu không hoạt động kinh doanh ở đó sẽ bị ảnh hưởng".
Máy bay đã hạ cánh xuống sân bay ở UAE hôm 20/5. Abdullah nói rằng những đứa con của anh đã rất vui mừng khi được trở về Dubai sau gần 2 tháng. "Con tôi đang học ở Dubai tại cùng trường nơi tôi từng học. Đối với chúng, Dubai mới là quê hương đầu tiên nên muốn trở về nhà càng sớm càng tốt".
Cứu trợ Covid-19 ở Ấn Độ
Theo Gulf News, gia đình ông Mushtaque không chỉ tiêu tiền cho chuyến đi thoải mái của mình. Họ cũng tích cực trong công tác cứu trợ Covid-19 ở quê nhà.
"Ông tôi bắt đầu kinh doanh vào năm 1950 tại làng Hojai. Giờ đây, chúng tôi có các cửa hàng bán lẻ trên khắp Ấn Độ và phân phối sản phẩm của mình đến hơn 30 quốc gia. Cha tôi điều hành một quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ cuộc sống của cư dân ở Hojai", Abdullah nói.
Anh cho biết gia đình mình đã nuôi sống hàng nghìn người trong làng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
"Chúng tôi mua thực phẩm với số lượng lớn, đóng gói cho 6 người mỗi gia đình và sử dụng dịch vụ của công ty để giao hàng cho tất cả người nghèo trong làng".
Những hình ảnh trong suốt chuyến bay được Abdullah chia sẻ trên trang cá nhân. |
Ông Mushtaque đang hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 bằng cách cung cấp bình oxy miễn phí.
"Chỉ có một bệnh viện trong làng và có rất ít bình oxy. Cha tôi gửi hàng chục bình oxy tới bệnh viện mỗi ngày. Khi hết oxy, chúng tôi cũng giúp nạp đầy trở lại. Cha tôi đã đích thân giám sát công việc này", Abdullah nói.
Hiện tại, Assam có 53.165 nhiễm Covid-19 và tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 là 6,02% dân số.
Còn trên toàn Ấn Độ, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Cả nước đang phải gồng mình chống chọi với làn sóng dịch bệnh mới được ví như "sóng thần" trong điều kiện thiếu thốn giường bệnh, trang thiết bị y tế.
Theo Lê Vy (Ảnh: abdullahanfar)/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/dai-gia-dubai-chi-75000-usd-dua-ca-nha-tron-khoi-tam-dich-an-do-post1220024.html