Thứ bảy 07/12/2024 21:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đại biểu Quốc hội: Khó 'điểm mặt, chỉ tên' sở hữu chéo ngân hàng

18:33 | 10/06/2023

Các đại biểu QH nhìn nhận sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề lo ngại nên việc điều chỉnh giảm tình trạng sở hữu của các cá nhân, tổ chức là rất cần thiết.

Đại biểu Quốc hội: Khó 'điểm mặt, chỉ tên' sở hữu chéo ngân hàng
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến phân tích đồng thời đưa ra giải pháp xử lý về vấn đề sở hữu chéo nhằm chi phối các tổ chức tín dụng và phòng ngừa rủi ro hệ thống ngân hàng.

Phải chấm dứt được công ty sân sau, lợi ích nhóm

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều 10/6, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhìn nhận sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, với các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trung phân tích dự thảo điều chỉnh giảm tình trạng sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng diện đối tượng liên quan là cần thiết giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng phân tán, lành mạnh hơn, tránh quyền lực, quyền tự quyết tập trung vào một ông bà chủ nào đó.

Điều này được ông nhấn mạnh sẽ hạn chế điều hành tổ chức của cá nhân theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.

Tuy nhiên, đại biểu Trung cũng thừa nhận thực tế vẫn có thể tồn tại cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh Hội đồng quản trị và ban điều hành nắm cổ phần chi phối, điều hành hoạt động của ngân hàng cho nên các giải pháp trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế các cổ đông lớn.

Đánh giá dự thảo bổ sung, điều chỉnh giảm sở hữu cổ phần của cổ đông, tổ chức, tuy nhiên đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng bày tỏ lo ngại vẫn có thể phát sinh thuê, nhờ người sở hữu cổ phần nhằm chi phối các tổ chức tín dụng và kiểm soát vấn đề này giải quyết ra sao trong thực tiễn và đề nghị cần đánh giá các cổ đông vốn hiện hữu cao hơn quy định.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh lĩnh vực tín dụng đóng vai trò rất quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực, nên việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay.

Nhắc đến sự cố Ngân hàng SCB và các ngân hàng của Mỹ thời gian qua, đại biểu An cho rằng cần quy định rõ các nội dung về phòng ngừa rủi ro hệ thống, để khi xảy ra sự cố có thể chống đỡ hiệu quả.

Khẳng định cần chấm dứt tình trạng chứ không phải hạn chế vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông An, ai cũng biết, ai cũng nhận ra nhưng chỉ mặt điểm tên rất khó do có sự lòng vòng, lắt léo.

Cần có cơ quan độc lập giám sát

Cho rằng các chế tài chưa đủ mạnh trong dự thảo ở luật này vì chỉ chăm chăm giảm tỷ lệ cổ phần, hạn mức cấp tín dụng là giải pháp thụ động, đại biểu Trịnh Xuân An đưa ra giải pháp muốn chấm dứt là phải công khai, minh bạch và xử lý nghiêm đồng thời cần thiết đặt lại mô hình cơ quan giám sát, thẩm tra độc lập các tổ chức tín dụng.

“Chúng ta cần làm tốt khâu thanh kiểm tra độc lập, xử lý công khai, minh bạch để các tổ chức, cá nhân không thực hiện các hành vi sở hữu tài sản chéo,” ông An nói rõ.

Đại biểu Quốc hội: Khó 'điểm mặt, chỉ tên' sở hữu chéo ngân hàng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đưa ra số lượng nước ta hiện có tới 50 ngân hàng, đại điểu An đặt câu hỏi với nền kinh tế Việt Nam liệu có quá nhiều ngân hàng hay không? định lượng rõ nền kinh tế quy mô như thế nào thì cần bao nhiêu ngân hàng là đủ vì nhiều quá dẫn tới sự cạnh tranh, rủi ro nên cần rà soát số lượng và cần thiết thiết kế tạo các quy định kỹ thuật trong luật để hạn chế số lượng.

Bổ sung thêm giải pháp, đạu biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; nghiên cứu biện pháp giải pháp để kiểm soát việc lách luật sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành hoạt động các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Trung cũng đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đưa ra ý kiến các ngân hàng đều có tiền, nhưng với cơ chế hiện nay không thể cho doanh nghiệp vay nên cần giải pháp tháo gỡ.

“Quan điểm xây dựng luật cần đặt cơ chế, chính sách rõ ràng để người dân, doanh nghiệp tiệm cận nguồn vốn tín dụng thì mới giải quyết bức xúc thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân,” ông Thân nói./.

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load