Thứ năm 28/03/2024 21:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đại biểu QH: Cần kiểm soát để tránh trục lợi các chính sách đặc thù

20:11 | 24/05/2022

Đồng tình với chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, song các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần kiểm soát để tránh trục lợi chính sách, nhất là chính sách liên quan đến đất đai, chuyển đổi diện tích.

dai bieu qh can kiem soat de tranh truc loi cac chinh sach dac thu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, chiều nay 24/5, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.

Đảm bảo tính minh bạch của chính sách đặc thù

Qua nghiên cứu các chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa mà Chính phủ đề xuất, nhiều đại biểu cho rằng nội dung các chính sách mang tinh thần đổi mới, cơ bản phù hợp với đặc điểm của địa phương. Nhiều đại biểu khác cũng tán đồng phải có cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa để đưa khu vực phát triển tuy nhiên cũng cần cẩn trọng trong chính sách, đặc biệt là vấn đề sở hữu bến cảng, sân bay…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ thêm về phạm vi, quy mô và sự cần thiết của từng chính sách đồng thời cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo những chính sách này khả thi trong thực tiễn. Đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến đất đai, rà soát chặt chẽ trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét Khánh Hoà có rất nhiều đặc thù, thế mạnh nhưng thu nhập đầu người lại thấp hơn mức bình quân cả nước, khoảng 2.700 USD/người.

“Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà là chậm, lẽ ra phải có sớm cùng với cơ chế đặc thù dành cho Huế, Cần Thơ, Hải Phòng…” ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này song ông Khải cho rằng Nghị quyết của Quốc hội tạo cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa nhưng điều quan trọng nhất cần phải phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

“Tôi đề nghị Quốc hội cần tiếp tục rà soát, bổ sung, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác, tác động chính sách, cụ thể là kinh tế-xã hội, về môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh để các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội sau khi ban hành phải đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống. Đặc biệt, có lộ trình thích hợp để phát triển quần đảo Trường Sa trong hiện tại và tương lai,” ông Khải nói.

Theo đó, các đại biểu đề xuất cần thiết kế một hàng rào kỹ thuật để vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư vào Khánh Hoà nhưng cũng đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng… Hay như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, quỹ hỗ trợ nghề cá làm sao vừa hỗ trợ ngư dân vừa bám biển, vừa giữ chủ quyền quốc gia.

Thông qua bài học từ các dự án trước đây, theo đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), các chính sách đưa ra cần nghiên cứu thật kỹ các quy định về thu hồi đất, bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dễ nảy sinh những vấn để phức tạp. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, cần lưu tâm nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân nắm và hiểu, các quy định đưa ra cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân đồng thời cũng cần có những quy định để bảo vệ môi trường bên cạnh xây dựng kinh tế.

Tăng tính liên kết vùng, tạo sự lan tỏa rộng khắp

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh bên cạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ tới đây, nếu cần thiết Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách cho vùng để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn.

Nhắc lại các cơ sở chính trị, thực tiễn và pháp lý của việc trình Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, không phải tỉnh nào “xin” cơ chế, chính sách đặc thù cũng được mà phải có căn cứ chặt chẽ.

dai bieu qh can kiem soat de tranh truc loi cac chinh sach dac thu
Cảng Cam Ranh - Khánh Hòa. (Nguồn: camranhport.vn)

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước. Có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ.

“Địa phương nào cũng quan trọng, nhưng tỉnh Khánh Hoà hết sức quan trọng. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hoà phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh. Do đó, cần thể chế hoá chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để Khánh Hoà thực hiện được mục tiêu này,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ không phải địa phương nào “xin” cơ chế đặc thù cũng được mà phải có căn cứ cụ thể, chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội cho biết tới đây sẽ nghiên cứu có các cơ chế, chính sách đặc thù theo vùng chứ không phải là từng địa phương. Chủ trương chung của Trung ương là giao cho Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng; nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ở mức cao hơn để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn.

Trước đó, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

“Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết./.

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load