(Xây dựng) - Với tiềm năng thế mạnh về biển, Quảng Ninh có một kho tàng văn học dân gian về biển đảo khá đa dạng và phong phú, ở nhiều thể loại, đặc biệt là truyền thuyết.
Vịnh Hạ Long nơi gắn với truyền thuyết về đàn rồng xuống hạ giới. Trong ảnh: Du khách tham quan khu vực Ba Hang bằng đò.
Tuy nhiên, truyền thuyết dân gian vùng biển Quảng Ninh lại chưa được tập hợp, nghiên cứu tập trung trong một công trình nào mà xuất hiện rải rác trong các sách khảo cứu văn hóa và trong trí nhớ của các bậc cao niên. Đến nay, đã có khoảng 25 truyền thuyết về biển đảo Quảng Ninh được tìm thấy và ghi chép lại. Địa bàn tìm thấy chủ yếu ở vùng đảo Hà Nam, Vịnh Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn.
Vì ngư dân ven biển và hải đảo của Quảng Ninh là người kinh nên truyền thuyết của họ gần giống với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Điểm khác biệt là truyền thuyết gắn liền với sự lý giải các địa danh, ca ngợi các nhân vật lịch sử, đúc kết kinh nghiệm đi biển. Tuy nhiên, theo cố nhà giáo Tống Khắc Hài: “Có một thực tế là với Quảng Ninh, ranh giới giữa thần thoại, truyền thuyết và cổ tích thật không rạch ròi”. Nhưng dù sao, truyền thuyết dân gian ở vùng biển Quảng Ninh đã góp phần giải thích địa danh văn hoá, gửi gắm nội dung giáo dục sâu sắc, nêu cao truyền thống yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong đó, đặc sắc nhất là truyền thuyết về Vịnh Hạ Long. Cư dân vùng biển Hạ Long đã sáng tạo ra câu chuyện đàn rồng mẹ, rồng con xuống trần, góp một phần lớn lao trong hành trình đánh giặc, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Sách “Địa chí Quảng Ninh” lý giải: “Cũng có thể từ những thần thoại thời tiền sử, người sau trong quá trình dựng nước và giữ nước đã sáng tạo thêm để đến nay hình thành một chủ đề nổi bật trong truyện cổ Quảng Ninh là lòng yêu nước thiết tha và ý chí kiên cường bảo vệ nền độc lập dân tộc”.
Nhiều địa danh trên Vịnh Hạ Long được truyền thuyết dân gian lý giải đậm màu huyền thoại. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh tại động Thiên Cung.
Có thể nhận ra nhiều địa danh miền biển Quảng Ninh gắn với truyền thuyết lịch sử hình thành, gắn với những vị thần có công với nước. Trong đó, truyền thuyết về những nhân vật, những sự kiện lịch sử chiếm số lượng lớn. Đằng sau mỗi câu chuyện là tình yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của người dân Quảng Ninh xưa, là lòng biết ơn của nhân dân đối với những người anh hùng. Trong đó, vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) tồn tại trong một không gian lịch sử văn hóa vô cùng đặc biệt đã phôi thai ra những truyền thuyết dân gian đặc sắc. Ở đây có truyền thuyết Đượng Ba Thằng, Vua Bà, Phạm Tử Nghi..., tuy có yếu tố kỳ ảo nhưng vẫn gắn bó chặt chẽ với những nhân vật, sự kiện hết sức gần gũi.
Truyền thuyết vùng biển Quảng Ninh phản ánh tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ thần biển. Đó là một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, nơi phản ánh tâm hồn Việt, cũng là một khía cạnh quan trọng để góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa cộng đồng. Tín ngưỡng thờ thần biển phản ánh ý thức về biển cả như môi trường sống và lao động, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng của ngư dân. Tín ngưỡng này có từ lâu đời, bắt nguồn từ ước vọng của ngư dân nhằm cầu mong mỗi chuyến đi biển được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Ngoài các thần biển ngư dân Quảng Ninh còn thờ cả những người chết đuối hiển linh: Bà chúa Cua, bà Men, bà Hang hay như thờ Phạm Tử Nghi là một tướng giỏi của nhà Mạc...
Tín ngưỡng thờ thần biển của ngư dân Quảng Ninh đậm tính liêu trai, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, ấm áp tình người, có tác dụng gắn kết cộng đồng. Vì thế, thờ thần biển Quảng Ninh gắn liền với các lễ hội dân gian, là dịp để ngư dân thực hành những hoạt động văn hóa cộng đồng. Những truyền thuyết dân gian cũng đã làm cho những lễ hội thêm phần lung linh huyền thoại. Với những đặc tính đó, truyền thuyết dân gian miền biển Quảng Ninh mang trong mình những giá trị riêng biệt, độc đáo, là tấm gương soi chiếu quá trình hình thành, phát triển tâm hồn của con người Quảng Ninh.
PV
Theo