Đây là thông tin do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2013 tổ chức chiều 15/10.
Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp báo do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp những thông tin về 7 lĩnh vực quản lý của Bộ trong 9 tháng năm 2013.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, Bộ đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước. Tổ chức thanh tra chuyên đề từng lĩnh vực: 9 cuộc trong lĩnh vực môi trường, kiến nghị xử phạt 67 tổ chức với hơn 5,2 tỷ đồng; 17 cuộc trong lĩnh vực khoáng sản, thanh kiểm tra 153 tổ chức… Bộ cũng đã kiểm tra rà soát 28 vụ việc tồn đọng, kéo dài, thống nhất biện pháp giải quyết với địa phương 27/28 vụ.
Về lĩnh vực quản lý đất đai, tính đến ngày 30/9, cả nước đã cấp được 36,7 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,7 triệu ha, đạt 85,6% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước, tăng 3,4% so với năm 2012. Tuy nhiên, mới có 13 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có kết quả cấp giấy đạt tỷ lệ thấp (dưới 70% diện tích cần cấp). Tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại 49 tỉnh, thành phố với 90 quận, huyện, một số tỉnh, huyện đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý đất đai.
Lĩnh vực môi trường cũng có nhiều kết quả đáng chú ý. Để tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, với mục tiêu xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước vào năm 2020. Tính đến hết tháng 9/2013, có 378/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Tại cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng trả lời một số vấn đề được báo chí quan tâm.
Về vụ việc xử lý vi phạm chôn giấu thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng của Công ty Nicotex Thanh Thái, Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chỉ đạo việc xử lý ô nhiễm theo các quy trình chặt chẽ để đảm bảo lượng thuốc bảo vệ thực vật không bị phát tán ra môi trường. Quan điểm xử lý hiện nay là dựa vào tình hình thực tế, xác định nguồn ô nhiễm, tiến hành lấy mẫu đất, tầng nước ngầm khác nhau để xác định phạm vi tác động. UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình 2 phương án xử lý theo công nghệ đã được thử nghiệm ở Mỹ và Canada.
Về việc chủ động phòng chống bão lụt, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Phòng chống thiên tai được Quốc hội phê duyệt, đã tạo cơ sở pháp lý, quy định cụ thể về trách nhiệm, cách thức, nguồn lực để chủ động phòng chống. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng Luật Khí tượng thủy văn, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cấp độ rủi ro thiên tai; Quy chế dự báo, cảnh báo về truyền tin về thiên tai, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo chính xác trong mùa mưa bão.
Theo Chinhphu.vn
Theo