Trong năm 2021, thành phố Đà Nẵng tiếp tục rà soát, ban hành cơ chế chính sách để cải thiện mạnh môi trường đầu tư, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn; quyết liệt triển khai việc giải ngân vốn đầu tư công...
Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sáng 7/12, TP. Đà Nẵng đã tiến hành khai mạc kỳ họp thứ 16, HĐND khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, kỳ họp lần này, Thành phố sẽ tập trung xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, làm rõ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế năm 2020; các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và đề xuất các nguồn lực, giải pháp trong việc khắc phục thiên tai, dịch bệnh; tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn 5 năm tới.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết: Từ đầu năm đến nay, chịu tác động bởi 2 đợt dịch COID-19 nên kinh tế Thành phố năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước. Năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Thành phố âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%; một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, giải ngân đầu tư công dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch.
Đến cuối năm 2020, Thành phố hoàn thành đạt và vượt 3/11 chỉ tiêu đề ra, có 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu chính như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và tổng vốn đầu tư phát triển.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 190.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có hơn 20.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 70.120 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.280 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Dự kiến đến cuối năm 2020, khi một số lĩnh vực kinh tế được khôi phục, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lại lao động.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng: Năm 2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế không đạt được và sụt giảm mạnh, nhất là trong khu vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp và lần đầu tiên sau 20 năm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế của Thành phốtăng trưởng âm và kéo giảm tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2020-2025 xuống.
Khó khăn này thực sự là phép thử lớn năng lực điều hành lãnh đạo cấp uỷ, HĐND và chính quyền các cấp của Thành phố, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong cơ cấu nền kinh tế, qua đó giúp Thành phố có quyết tâm đề ra những định hướng, giải pháp mang tính bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết đại hội lần thứ 22 Đảng bộ Thành phố và Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng với nhiều công việc lớn và nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi các cấp, nghành cần tập trung cao độ, khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp trong xây dựng Đảng, chính quyền; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế của Thành phố. Đây là cơ sở, là bước đà quan trọng cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
"Vừa qua, hội nghị Thành uỷ đã bàn và xác định mục tiêu tăng trưởng cố gắng phấn đấu là trên 6%. Nếu mục tiêu này đạt được thì chúng ta cũng chỉ phát triển bằng năm 2018, như vậy là tụt giảm khoảng 3 năm. Đây là một trong những khó khăn lớn nhưng cũng là mốc chúng ta cần phấn đấu với sự quyết tâm rất cao", Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhìn nhận.
Để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu trên, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị đại biểu HĐND tập trung đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc pháp lý trong các dự án đất đai, tồn đọng kéo dài, giúp khơi thông nguồn lực, tạo nên nguồn thu cho ngân sách và quan trọng hơn là khắc phục tình trạng để lãng phí nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp; tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2021, Thành phố cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách để cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn; quyết liệt triển khai việc giải ngân vốn đầu tư công, đây là giải pháp quan trọng để vượt qua khó khăn khi đầu tư xã hội bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh và mưa lũ.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt đề án mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Thành phố gắn với việc thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị; phối hợp chặt với các cơ quan Trung ương khẩn trương ban hành các quy định để triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, được quy định tại Nghị quyết 119 của Quốc hội, nhất là trên lĩnh vực quy hoạch, tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố...
Theo Lưu Hương/Baochinhphu.vn