Thứ năm 25/04/2024 22:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị, quận phường lo mất phòng, giảm biên chế

21:45 | 15/10/2020

Nếu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ phải giảm nhiều biên chế cấp phường cũng như số phòng chuyên môn thuộc quận và số lượng cấp phó.

Bộ Nội vụ cùng UBND TP Đà Nẵng hôm nay (15/10) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình chính quyền tại TP Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền ở TP gồm có HĐND và UBND. Còn UBND quận, UBND phường, không có HĐND và chỉ là cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND TP, thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền TP nhằm đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất trên các lĩnh vực.

da nang thi diem chinh quyen do thi quan phuong lo mat phong giam bien che
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Khi đó, UBND phường là cánh tay nối dài của quận và 2 cơ quan này hoạt động theo chế độ thủ trưởng.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường không còn là cán bộ (do HĐND bầu) mà là công chức được tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý theo quy định.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, dự thảo quy định UBND quận gồm 8 cơ quan chuyên môn; số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận không quá 16 người. Còn biên chế công chức phường không quá 12 người.

Giảm phòng, giảm biên chế, giảm cấp phó

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, qua lấy ý kiến, nhiều nơi băn khoăn về quy định liên quan đến biên chế và số lượng cấp phó, cũng như số cơ quan chuyên môn quy định cứng như dự thảo.

“Đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương giao lượng cán bộ, công chức của 45 phường như hiện nay, tương ứng 315 biên chế cán bộ cấp phường và 659 biên chế công chức cấp phường”, Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Về quy định cứng 8 cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh dự thảo như quy định hiện nay để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cán bộ, công chức cấp quận.

Đại diện phường Hải Châu 1 cho biết, nếu thực hiện số công chức theo dự thảo, phường sẽ dôi dư 2 người, trong khi công việc của phường rất nhiều, hiện đang quá tải. Vì vậy đại diện phường Hải Châu đề nghị Bộ Nội vụ xem xét thêm chỉ tiêu biên chế công chức cho phường là 15 người.

da nang thi diem chinh quyen do thi quan phuong lo mat phong giam bien che
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu

Đại diện phường Chính Gián cũng nêu thực tế, công chức của UBND phường hiện nay gồm 3 lãnh đạo UBND và 11 công chức phân bổ trên 6 lĩnh vực. Đội ngũ này đảm bảo công việc ổn định. Còn theo dự thảo mới chỉ còn 12 người gồm cả lãnh đạo và công chức, giảm 2 người so với trước mà phụ trách 5, 6 lĩnh vực thì khó đảm bảo công việc. Như thế một số lĩnh vực sẽ chỉ có một người phụ trách.

“Một lĩnh vực chỉ một người phụ trách thì cán bộ xám mặt ngay, nhất là khi 50% các lĩnh vực phải có một người ngồi ở bộ phận một cửa để tiếp dân, giải quyết hồ sơ, thủ tục, rồi còn làm công việc chuyên môn…”, đại diện phường Chính Gián nói.

Vì vậy, hầu hết các phường đều đề nghị Bộ Nội vụ giữ số lượng công chức phường là 15 người như hiện nay hoặc tăng thêm.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho rằng việc giảm từ 12 phòng ban nhập xuống còn 8 phòng cũng là rất khó khăn. Như gộp phòng quản lý đô thị với tài nguyên môi trường thành phòng quản lý đô thị môi trường thì lĩnh vực quản lý rất rộng vì bây giờ nhiều lĩnh vực phân cấp cho quận huyện làm rất nhiều.

Ngoài ra, dự thảo quy định quận có 16 cấp phó thì trung bình mỗi phòng 2 cấp phó sẽ rất khó khăn trong công tác điều hành. Vì vậy, ông Huy đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc trong việc quy định cứng 8 phòng chuyên môn như dự thảo.

Cấp phó ít là năng lực người đứng đầu tốt

Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh Niên (Bộ Nội vụ) Hoàng Quốc Long cho rằng, nghị định này phải giải quyết ba vấn đề. Thứ nhất là phải có tinh thần đổi mới và đã thí điểm thì phải có cơ chế, có lộ trình thực hiện. Thứ hai là vấn đề về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn phải rõ. Thứ ba là vấn đề sắp xếp bộ máy và chính sách chế độ cho cán bộ, công chức.

Theo ông Long, nghị định này thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng nhưng không thể vượt các đô thị khác như Hà Nội, TP.HCM và các quy định chung của Trung ương. “Tinh thần là phải đổi mới chứ chúng ta cứ băn khoăn mãi về 12 phòng hay 8 phòng thì khó làm. Phải có tư duy mới, cùng trăn trở thì mới ra được”, ông Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giải thích thêm, khi thực hiện chính quyền đô thị thì chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường không còn cán bộ mà cũng là công chức. Vì vậy tính tổng định biên cho phường cần bổ sung thêm những trường hợp này thành 15 người như ý kiến các phường đề nghị là phù hợp.

Còn về số phòng chuyên môn, ông Tuấn khuyên, Đà Nẵng cần mạnh dạn giảm từ 1 đến 2 phòng. “Ví dụ các đồng chí nói không thành lập một phòng y tế mà đưa về Văn phòng UBND quận là tôi tán thành ngay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về số lượng cấp phó, theo ông Tuấn, nguyên tắc, tăng giảm cấp phó như thế nào thể hiện năng lực của người đứng đầu. “Chúng ta giảm càng nhiều cấp phó thì thể hiện năng lực người đứng đầu tốt, còn cấp phó nhiều thì cấp trưởng làm gì”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý số lượng cấp phó phải phù hợp khối lượng công việc, phạm vi quản lý của địa phương. Giai đoạn sắp xếp ban đầu có thể chấp nhận số lượng cấp phó nhiều hơn nhưng về sau phải có lộ trình giảm đưa về đúng quỹ đạo.

Theo Thu Hằng/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load