(Xây dựng) - Sáng 28/9, tại bãi biển Sơn Trà, TP Đà Nẵng, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tổ chức Chiến dịch ra quân “Làm sạch biển”, với sự tham gia của hơn 2.000 người.
Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng thùng rác cho quận Sơn Trà.
Đây là Chương trình nằm trong chuỗi Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Chia sẻ trong buổi lễ ra quân, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm do rác thải nhựa gia tăng. Mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg trên mỗi đầu người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.
Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân huỷ hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Đối với TP Đà Nẵng lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là năm 2018 - 2019, tỷ lệ tăng lên từ 18 - 20%. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của TP Đà Nẵng trên 1.100 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải nhựa có xu hướng gia tăng trong thành phần rác, khoảng từ 5 - 14%.
Hơn 2.000 người tham gia lễ ra quân Làm sạch biển tại bãi biển Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 tấn rác thải ra môi trường, trong đó phần lớn là rác thải nhựa và ni lông. Mặc dù chưa có số liệu thông kê về nguồn rác thải nhựa tồn tại trong lòng đại dương, tuy nhiên có thể nhận thấy rất rõ rằng một lượng lớn rác thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển Đà Nẵng. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của TP Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu và rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô và sinh vật biển.
Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật đối với việc thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn của thành phố chưa thực sự đảm bảo. Nhằm hạn chế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng thành phố môi trường và nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thành phố rất cần sự đồng lòng của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Tại lễ ra quân vệ sinh môi trường, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng kêu gọi tất cả các cơ quan, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân… hãy cùng chung tay xây dựng thành phố bằng những chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông”; nhân rộng các mô hình tái chế, tái sử dụng, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu chất thải.
Tiếp tục triển khai các hành động hưởng ứng Phong trào “Giảm thiểu rác thải nhựa” với mục tiêu “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hạn chế dùng sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần; bỏ rác đúng nơi quy định, tái chế, tái sử dụng chất thải, phân loại rác; lên án các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt cần tập trung các hoạt động làm sạch môi trường, hướng cho người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường một cách tự giác, hiệu quả.
Nguyễn Tuấn
Theo