(Xây dựng) – Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 50 dự án bất động sản (BĐS) đã và đang triển khai tại TP Đà Nẵng. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn. Tại Hội thảo “Bất động sản miền Trung – Thực trạng và hướng phát triển bền vững” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phối hợp với Báo Công thương tổ chức sáng ngày 28/6 tại Đà Nẵng, các chuyên gia đánh giá: Năm 2018 là năm tốt nhất cho thị trường BĐS miền Trung nói chung và thị trường BĐS Đà Nẵng nói riêng.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự của 300 đại biểu là đại diện UBND, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, các chuyên gia tài chính ngân hàng, chuyên gia BĐS và đại diện các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư BĐS lớn trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Năm 2018, thị trường BĐS có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ lợi thế hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá, nhiều tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm, những dự án "đắp chiếu" nhiều năm cũng sẽ được các nhà đầu tư khởi động lại. Dự án chung cư hướng đến đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình khá sẽ được các chủ đầu tư ưu ái.
Năm 2018, giá sản phẩm phân khúc trung và cao cấp không biến động nhiều, khả năng tăng giá là rất thấp. Thị trường BĐS năm 2018 dự báo sẽ tốt hơn năm 2017 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có chính sách.
Theo ông Nam, Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới và đặc biệt là phân khúc từng thị trường BĐS sẽ hợp lý hơn. Sau sự kiện APEC, với sự tham gia của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... các chuyên gia đánh giá, APEC 2017 đã trở thành bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Đây là cơ hội để thành phố này khai thác được tối đa thế mạnh về du lịch và các dự án BĐS mới khởi động trong năm 2018.
Cùng với sự nở rộ của các loại hình BĐS mới: Shophouse, Condotel (căn hộ khách sạn), căn hộ du lịch, Officetel (văn phòng – nhà ở) tại Đà Nẵng, theo đánh giá của các nhà đầu tư: Trong năm 2018, đất nền sẽ tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng và nhiều khả năng sẽ bùng nổ giao dịch.
Dự kiến tại Đà Nẵng có 2 khu vực sẽ "bùng nổ" dự án đất nền và nhà phố là khu Nam và Tây Bắc. Bởi những nơi này đang hội tụ đủ các điều kiện tăng trưởng bền vững, các tuyến cầu tạo ra trục giao thông huyết mạch, mở rộng không gian đô thị về phía Nam. Nhờ đó, cư dân ở địa bàn này đi về các điểm làm việc, vui chơi giải trí trong trung tâm thành phố hay đi ra phố cổ Hội An đều thuận tiện.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm và họ cần cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư tại Đà Nẵng. Xu hướng phát triển của thành phố hiện đang hướng đến các dự án hỗn hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các show diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách.
“Để hạn chế tình trạng chênh lệch cung cầu và thị trường đang có dấu hiệu chậm lại, chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố; giao cho Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án BĐS được UBND thành phố phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trên Cổng thông tin điện tử thành phố và website Sở Xây dựng” – Ông Nam chia sẻ.
Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, Đà Nẵng cần phải vượt qua thách thức tiếp tục giữ vững môi trường thành phố đáng sống và môi trường đầu tư dẫn đầu chống rủi ro, thu hút người giàu, thu hút người tài, doanh nhân đến sinh sống và làm việc. Tiêu chí phát triển của Đà Nẵng phải là khu vực và toàn cầu chứ không phải là dẫn đầu trong nước.
Ông Nguyễn Hiền Ninh, lãnh đạo Cty BĐS Đất Xanh miền Trung kiến nghị, quỹ đất của Đà Nẵng đã hạn hẹp khiến các nhà đầu tư lớn khó vào thị trường. Mặt khác các dự án đất nền tại một số dự án có pháp lý không chắc chắn nên có thể khuyến khích phát triển phân khúc nhà phố, liền kề với pháp lý ổn định và tạo ra giá trị kinh doanh lâu dài, ưu việt và đa năng.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu quan điểm, những người làm môi giới, những nhà tư vấn BĐS cũng góp phần tư vấn cho các chủ đầu tư để đưa ra được mô hình, phân khúc sản phẩm, đối tượng và nhu cầu khách hàng hợp lý hơn. Sự đóng góp của cộng đồng nhà môi giới, sàn giao dịch BĐS hiện nay chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng góp phần tạo dựng thành công cho các nhà phát triển BĐS lành mạnh hoá thị trường tại Đà Nẵng cũng như trên cả nước.
Liên quan đến ý kiến đề cập thẳng thắn đến vai trò và sự đồng thuận của xã hội đối với sự phát triển của của thị trường và doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: “BĐS muốn bền vững yêu cầu đầu tiên là phải bền vững trong lòng dân. Hãy làm cho sự thành công, thắng lợi của nhà đầu tư BĐS cũng phải thành công, thắng lợi của người dân có đất thu hồi do giải toả dự án tại Đà Nẵng, chống lợi ích nhóm. Các nhà quản lý Nhà nước phải có quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng, thiết kế xây dựng đồng bộ, có tầm nhìn xa, chính sách quản lý nhất quán không gây khó khan cho DN và người dân”.
Nhi Long
Theo