Thứ sáu 29/03/2024 09:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đà Nẵng: Nói thêm về dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex

17:05 | 09/05/2019

(Xây dựng) - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về dự án này, trong một số vấn đề mà báo chí nêu thì vấn đề lớn nhất được đặt ra vẫn là dự án lấn sông Hàn và gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Vì những điều đó mà UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo đình chỉ việc thực hiện dự án này và giao cho các ngành xem xét lại. Qua tìm hiểu các hồ sơ pháp lý của dự án này, đồng thời đơn kêu cứu của Cty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng gửi đến Báo Xây dựng chúng tôi thấy có một số những vấn đề như sau:

Đây là một dự án tính đến nay đã kéo dài hàng chục năm; được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án BĐS bến du thuyền lần đầu theo Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26/11/2011 với quy mô là 175.512m2, trong đó phần diện tích đất liền 105.520m2 qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, lần điều chỉnh gần đây nhất tại Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 03/2/2016. Nhìn chung nghiên cứu việc điều chỉnh cho thấy: Việc điều chỉnh này ít có lợi cho chủ đầu tư, với mục tiêu đảm bảo dự án được tốt hơn cho cộng đồng. Cụ thể như: Điều chỉnh giảm diện tích đất ở từ 7,9ha còn 4,7ha (giảm 3,2ha đất ở để tăng mật độ cây xanh); điều chỉnh giảm 7,3ha mặt nước còn 1ha bến du thuyền; điều chỉnh tăng 1047m2 cây xanh từ diện tích đất mở hàng rào của khu đô thị khép kín, có tường rào; thành khu đô thị mở không có tường rào. Tổng chi phí đầu tư hạ tầng và cây xanh tăng từ 0,7ha thành 2,4ha, giao thông tăng từ 1,3ha lên 2,7ha, nhưng diện tích sản phẩm đất kinh doanh giảm đi 3,2ha… Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì việc điều chỉnh này là cho phép và phù hợp. Thông thường các điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng thường là tăng diện tích đất kinh doanh, giảm diện tích đất các công trình hạ tầng cơ lợi cho chủ đầu tư, nhưng với dự án này thì ngược lại.

da nang noi them ve du an bat dong san va ben du thuyen marina complex

Dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex.

Vấn đề lấn sông Hàn ảnh hưởng đến dòng chảy và gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đây là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng: Với dự án này, đã có tới 2 lần đánh giá tác động môi trường. Mặt khác, theo tài liệu chúng tôi có được thì ngay từ thời Pháp thuộc tại khu vực dự án Maria Complex về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá và tuyến kè đá này được thành phố chỉ đạo các đơn vị gia cố hàng năm, với mục đích đảm bảo an toàn cho hơn 500 ngàn người dân tại khu đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng Cá, Nại Hiên Đông; chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng ven sông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các đơn vị khảo sát, nghiên cứu để quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang dài hơn 6000m. Nhà nước đã đầu tư hoàn thành thi công hơn 5200m tuyến đê. Để thực hiện dự án này Cty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng thi công thêm 730m kè để nối tiếp đoạn kè mà nhà nước đã thi công. Đoạn kè mới thi công cũng đúng theo hồ sơ quy hoạch và thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy việc xây dựng tuyến kè hiện nay đã có nghiên cứu quy hoạch, khảo sát địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn nhằm đảm bảo an toàn cho khu đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng Cá, Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố lập trước đây và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến thống nhất.

Như vậy việc xây kè không phải do Cty xây dựng lấn chiếm, mà là do những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của thành phố cũng như của Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng nhằm mục đích chống sạt lở bờ sông và đảm bảo an toàn cho dân cư như đã nêu. Những vấn đề này, trong quá trình lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường đã có những ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành.

Mặc dù đánh giá về vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều, kể cả các nhà khoa học cũng có góc nhìn khác nhau theo chuyên môn của từng chuyên ngành. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ những ý kiến khác nhau này cũng đã được nhắc lại nhiều lần trong gần 10 năm qua kể từ khi nghiên cứu quy để lập quy hoạch dự án cho đến lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cuối cùng. Có những ý kiến cho rằng, quy hoạch khu vực này đã sai ngay từ khi định hướng, có thể ý kiến này là đúng, nhưng để sửa lại vấn đề này thì hàng loạt dự án đã nhiều năm nghiên cứu lân cận dự án này cũng sẽ phải dừng lại điều chỉnh, đập phá… hậu quả xã hội sẽ là không lường. Một nhà khoa học có trách nhiệm xã hội, có tầm nhìn bao quát có nên xử lý sự việc theo hướng này không? Cũng may mắn cho dòng sông Hàn, tuy là rất hung dữ về mùa lũ, nhưng nhiều năm trước đây cho tới nay vẫn chưa xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông để cuốn đi cả trăm ha thậm chí cả khu dân cư như nhiều dòng sông khác trên đất nước này.

Nhìn chung xét toàn bộ dự án, đây là một dự án đã tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng, một dự án đã kéo dài hàng chục năm tốn nhiều tiền của, công sức của chủ đầu tư, của các sở, ban, ngành, UBND TP Đà Nẵng các khóa trước đây. Mặt khác những vấn đề được đặt ra hôm nay về việc thay đổi dòng chảy sông Hàn gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trước đây cũng đã được bàn để khi quyết định phê duyệt dự án này. Nếu như vì những dư luận khác nhau mà UBND TP Đà Nẵng quyết định dừng dự án, hoặc phá bỏ đi những phần mà dư luận cho rằng gây thay đổi dòng chảy sông Hàn thì số kinh phí này ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên không phải là chủ đầu tư, bởi chủ đầu tư đã làm đúng theo quy hoạch và các đồ án thiết kế được duyệt.

Mặt khác không chỉ dự án này mà một loạt dự án lân cận cũng sẽ tiếp tục bị dư luận chỉ trích trong việc lấn sông, UBND thành phố sẽ giải quyết ra sao? Cách làm “tiền hậu bất nhất” của UBND thành phố sẽ làm cho các nhà đầu tư không dám đến đầu tư tại đây nữa, liệu TP Đà Nẵng có còn là thành phố “đáng sống” như bao nhiêu bài báo đã ca ngợi trước đây.

Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load