Thứ ba 10/09/2024 11:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đà Nẵng: Lấy giao thông vận tải làm hướng phát triển đột phá

14:36 | 10/06/2016

(Xây dựng) - Sáng hôm qua 9/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng về công tác quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Đây là chuyến công tác, làm việc đầu tiên sau khi đảm nhiệm chức vụ mới của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Rà soát lại quy hoạch giao thông

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng: Quy hoạch giao thông có vai trò cực kỳ quan trọng, mang tầm nhìn chiến lược và dự báo phát triển trong tương lai. Thế nhưng đến bây giờ Đà Nẵng vẫn chưa hình thành nên một số vận tải hiện đại mà vẫn còn nằm trên quy hoạch. Vì thế cần rà soát lại quy hoach giao thông cho cả thành phố. Dù đã có sự điều chỉnh rồi nhưng cũng phải rà soát lại. Nên chăng có sự dự báo về vấn đề này. Quy hoạch giao thông sẽ như thế nào, thời gian nào triển khai cần thể hiện rõ. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch đã định cần cố gắng xây dựng một cơ chế chính sách. Không có cơ chế chính sách thì nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy khó.


Lãnh đạo Đà Nẵng báo cáo công tác quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trong cả nước có hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ. Tính kết nối sẽ tạo sự lan tỏa. Và làm sao qua sự kết nối lan tỏa này, Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận đều được lợi.

Trên cơ sở những báo cáo của Đà Nẵng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng: Đà Nẵng cần rà soát lại quy hoạch hệ thống giao thông. Đối với thực hiện dự án BOT, tránh trường hợp xây dựng tuyến đường độc đạo cho cả khu vực, buộc mọi người phải đi qua các trạm thu phí. Dẫn đến bức xúc của người dân và cũng phạm vào quyền đi lại của người dân.

Chọn hướng phát triển

Đánh giá về Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng: Đà Nẵng là khu vực trung tâm của miền Trung. Các hình thức kết nối về giao thông hiện nay đã đầy đủ. Trong thời gian qua có thể nói Trung ương và Đà Nẵng cũng đã đầu tư hoàn thiện các hệ thống giao thông, đặc biệt là kết nối về đường bộ. Nhờ có hệ thống giao thông hoàn thiện nên Đà Nẵng có sự lan tỏa tốt hơn địa phương khác. Thế nhưng có những đánh giá và nhận xét đối với Đà Nẵng là như thế này: Đà Nẵng rất là phát triển nhưng mà sự ảnh hưởng của Đà Nẵng tới khu vực xung quanh là chưa đủ khẳng định. Những ghi nhận đó cũng là một phần cơ sở để  Đà Nẵng xem lại định hướng phát triển của mình. 


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng Đà Nẵng cần có những đề xuất mạnh mẽ để phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng thì: Riêng về lĩnh vực giao thông, quan điểm của Bộ là ủng hộ tối đa các kiến nghị của Đà Nẵng. Nhưng bây giờ việc chọn lựa những bước đi như thế nào là vấn đề hiện nay của Đà Nẵng.

Cái được lớn nhất hiện nay đối với Đà Nẵng đó là việc thực hiện xã hội hóa dự án mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những đánh giá lại mô hình này để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác về công tác đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không. Xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông, đường bộ thì quá nhiều rồi nhưng xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không thì đây là dự án hàng không đầu tiên của cả nước, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Bộ trưởng cũng cho rằng: Đối với ga hàng không, sau khi hoàn thành giai đoạn này thì chúng ta cũng cần nghĩ tới phương án tới. Bởi năm nay dự định đạt 10 triệu lượt khách qua cảng thì với mức tăng trưởng sắp đến, mức đạt 15 triệu lượt khách sẽ chỉ trong vài năm nữa thôi. Nên chúng ta phải lưu ý và cần xem lại phương án sắp đến Đà Nẵng có nên mở rộng nữa hay không hay là sân bay Chu Lai.

Riêng cảng Tiên Sa, có nên để cảng này nữa hay không. Đà Nẵng cũng đã quan tâm đến việc đầu tư cảng Liên Chiểu. Trục đường vận tải quyết định vận tải kết nối với cảng Tiên Sa là đường Ngô Quyền. Trong khi đó đường Ngô Quyền có thêm vai trò kết nối với các cây cầu được đầu tư rất bài bản. Khu vực này lại là khu vực du lịch. Với công suất của cảng Tiên Sa hiện nay với tần suất xe tải như thế này thì cũng rất nguy hiểm ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch của Đà Nẵng.

Đối với việc đầu tư, xây dựng, mở rộng các cảng tại Đà Nẵng, Bộ trưởng có ý kiến nên sớm có kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu, đầu tư cảng mới theo hình thức xã hội hóa. Nhưng vẫn có thể kết nối khai thác cảng Tiên Sa, giảm tải cho đường Ngô Quyền. Vị trí cảng Liên Chiểu rất thuận lợi trong kết nối giao thông, đường sắt và các dịch vụ khai thác khác. Đây là hướng rất tốt nên Đà Nẵng quan tâm đến vấn đề này. Đà Nẵng cần thay đổi hướng vận tải và có những đề xuất mạnh mẽ để phát triển.


Phát triển giao thông vận tải là một trong những khâu đột phá của Đà Nẵng và ưu tiên cho khâu đột phá này.  

Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết: Trong 3 khâu đột phá của thành phố, Đà Nẵng cũng xác định phát triển giao thông vận tải là một trong những khâu đột phá. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, ưu tiên cho khâu đột phá này bởi gắn với sự phát triển của địa phương. Hệ thống giao thông như mạch máu của cơ thể.

Không biết các địa phương khác như thế nào chứ Đà Nẵng đều đặn 2 tuần một lần, Thành ủy sẽ nghe Giám đốc Sở Giao thông Vận tải báo cáo, kiến nghị, đề xuất các vấn đề và Thành ủy cho ý kiến ngay để Sở Giao thông triển khai thực hiện nhanh. Bí thư Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Ý kiến về sự phát triển của Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy cho rằng: Đối với việc mở rộng cảng Tiên Sa thì đang xem xét lại. Cái chung giữa tàu du lịch và tàu hàng hóa ở một cảng là rất khó, dễ bị tai nạn giao thông, ảnh hưởng phát triển du lịch. Lợi ích từ cảng này đem lại cũng không nhiều vì thuế xuất nhập khẩu lại đóng ở Trung ương nên Đà Nẵng không hưởng được, nhiều khi phải chi sửa chữa tuyến đường Ngô Quyền bị hư hỏng do xe vận tải container từ cảng đi đến các nơi khác. Cái thu với cái chi đó thì cũng gần nhau.

Trong khi đó, hướng phát triển của Đà Nẵng là công nghệ cao, công nghiệp nặng sản xuất lớn của Đà Nẵng không có. Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao thì không cần tới vận tải đường biển nhiều. Bản thân Đà Nẵng thì các KCN nằm ở phía Tây thành phố, nếu xây dựng được cảng Liên Chiểu nằm xa trung tâm thành phố thì khi đưa vào sử dụng xe container sẽ không còn ra vào khu vực thành phố nữa, thì khu vực đường Ngô Quyền sẽ an toàn giao thông hơn không chỉ cho người dân mà cả cho khách du lịch.

Cái quan tâm của thành phố hiện nay là làm sao xây dựng được cảng Liên Chiểu, hiện nay thành phố đã làm việc với Tân Cảng về đầu tư cảng Liên Chiểu nhưng chúng tôi biết thời gian sẽ rất là lâu. Nếu nâng công suất cảng Tiên Sa lên thì chắc thời gian nữa thì cũng sẽ nát cả đường này. Ở thành phố du lịch mà thấy toàn xe container chạy thì làm sao yên tâm mà vui chơi được nữa. Đây là điều rất nan giải đối với thành phố.

Riêng sông Hàn sẽ phát triển du lịch như sông Seine của Pháp. Sắp tới sẽ quy hoạch lại cả hai bên bờ sông sao cho đẹp hơn với các quán cà phê, nhà hàng, cảnh quan của thành phố tại đây sao cho đẹp, phù hợp hơn và thu hút hơn.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load