(Xây dựng) - Dự án Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc trên địa bàn Quận Thanh Khê với tổng mức đầu tư gần 128 tỷ đồng đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Theo đó, dự án thực hiện với mục tiêu nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo cảnh quan cho thành phố, góp phần tạo không gian thoáng mát tại nơi đây.
Đất, cát… liên tục bồi lấp tại cửa sông, nếu dự án lắp bê tông xây dựng vườn hoa, sân chơi trên mặt cửa sông sẽ có nguy cơ làm mất dòng chảy, tắt cửa sông gây ô nhiễm nặng hơn.
Dự án sẽ triển khai xây dựng sàn bê tông cốt thép trên mặt sông Phú Lộc, đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến cách ngã ba đường Nguyễn Huy Lượng và Yên Khê 2 khoảng 50m. Phủ xanh cây bóng mát và cây bụi trên diện tích 3.768m2, tạo sân thể thao, sân chơi trẻ em, đường dạo…
Sau khi dự án được UBND thành phố phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng gửi công văn lấy ý kiến về đánh giá tác động môi trường đối với Dự án “cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc và thực địa, kiểm tra thực trạng đoạn sông chính chảy trên địa bàn phường Hòa Minh”. Nhiều chuyên gia, đơn vị chuyên ngành, các hội nghề nghiệp đã có những ý kiến về dự án này.
Môi trường sinh thái sẽ mất đi
Ông Tô Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng cho rằng: Việc lắp bêtông phủ trên mặt sông sẽ là nguyên nhân hủy hoại hệ sinh thái sông Phú Lộc. Ánh sáng mặt trời bị ngăn chặn sẽ hủy diệt toàn bộ hệ sinh vật trong nước, góp phần tạo nên mùi hôi thối từ các sinh vật chết, càng nguy hiểm hơn khi bề mặt không thông thoáng và không có quá trình đối lưu không khí. Một trong những nguyên tắc cơ bản khi triển khai các dự án cảnh quan thì phải đảm bảo duy trì ổn định, đảm bảo tính đa dạng của hệ sinh thái.
Yếu tố thiên nhiên luôn là nhân tố quan trọng tạo lập không gian cảnh quan đô thị, con người với vai trò là chủ thể luôn biết trân trọng và gìn giữ nó. Mọi tác động có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên điều được xem là thiếu văn minh. Thực tế đã phải trả giá cho việc chúng ta sẵn sàng lấn sông, bạt núi để có quỹ đất phát triển đô thị. Liệu rằng Đà Nẵng có còn là thành phố đáng sống hay không khi khi không còn sông, không còn núi? Con cháu đời sau sẽ nghĩ gì về thế hệ ông cha khi chúng ta không biết gìn giữ và trân trọng tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta?
Mặc khác, Dự án sẽ làm tắc đường thông thương của con sông, ngay tại cửa sông tiếp giáp với vịnh Đà Nẵng. Với mạng lưới cọc bê tông dày đặc với cự ly 10 m được đóng xuống lòng sông rộng trên dưới 50m sẽ là những chướng ngại vật cho tàu thuyền khi ra vào trong điều kiện không có ánh sáng (chui vào hầm). Chưa kể mùa mưa lũ, tàu thuyền sẽ va đập vào các cây cọc này và ngư dân di chuyển trong môi trường yếm khí thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn và mọi người dân Đà Nẵng cần phải xem xét lại dự án này để mai sau không phải hối tiếc.
Dự án không mang lại hiệu quả
Đại diện cho Hội Quy hoạch Đà Nẵng, KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội cũng cho rằng, Dự án này sẽ không thể mang lại hiệu quả, bởi: Vườn hoa & vui chơi trẻ em không thể phát triển bền vững ở vị trí ngay cửa sông, trực diện với vịnh Đà Nẵng và hướng thẳng góc với biển Đông, nơi đón gió, mưa bão và nắng nóng gay gắt vào mùa khô. Trong khi đó lớp đất đổ trên mặt sàn BTCT chỉ có độ dày 0,8 ~ 1,00 m làm sao trồng và phát triển bền vững được “cây rễ cọc, cây tán lớn, cây cổ thụ cao, thấp, lá bàn, lá kim… để tạo thành những mảng rừng chống gió bụi” ? Làm sao đứng vững trước mưa gió, bão? Làm sao che chắn được cái nắng nóng gay gắt và cát bụi bay từ biển vào? Chỉ một vườn hoa, sân vui chơi trẻ em có diện tích 14.476 m2 mà đầu tư sử dụng nguồn vốn quá lớn là 128.118.287.000 đ. Tính bình quân mức đầu tư cho một mét vuông vườn hoa này là 8.836.000 đồng.
Sông Phú Lộc đổ ra vịnh Đà Nẵng luôn trong tình trạng ô nhiễm, nhất là mùa nắng nóng bốc mùi hôi kinh khủng.
Trong khi đó dự án được phê duyệt là “Cải tạo môi trường “KÊNH” thoát nước sông Phú Lộc” với mục tiêu đầu tư công trình nhằm cải tạo môi trường khu vực để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống cho người dân, đồng thời tạo cảnh quan cho Thành phố, góp phần tạo không gian thoáng mát cho khách du lịch cũng như nhân dân Thành phố thư giãn, nghỉ chân, vui chơi, ngắm cảnh, giải trí”. Nhưng thực chất đây chỉ là một dự án “Đầu tư xây dựng khu vườn hoa, sân chơi cửa sông Phú Lộc”.
Toàn bộ dự án không hề đề xuất biện pháp cải tạo môi trường về xử lý làm sạch chất nước bẩn tù đọng trên sông, khử mùi hôi thối nhiễm bẩn không khí, biện pháp thu gom, xử lý xác súc vật, rác thải, giải pháp hữu hiệu chống bồi lắng, tù đọng, giải pháp tổ chức ra vào cửa sông, nơi neo đậu ghe, thuyền thúng của ngư dân khu vực, giải pháp giám sát, kiểm tra chất lượng nước, không khí sau khi được xử lý, làm sạch nước thải mới được xả ra Vịnh, đảm bảo cho bãi cát và nước vịnh cũng phải luôn có môi trường trong sạch.
Đặc biệt nữa dự án chỉ thực hiện ở một đoạn ngắn cuối hạ lưu sông Phú Lộc làm sao cải tạo được môi trường, khử mùi hôi, điều tiết vi khí hậu để hoàn thành Dự án “cải tạo môi trường” dù chỉ ở một đoạn ngắn cửa sông Phú Lộc?
Như vậy, mục tiêu dự án này là cải tạo môi trường thoát nước sông Phú Lộc chưa đến đích mà đã tiêu tốn mất 128 tỷ đồng.
Hội Quy Hoạch chúng tôi thiết nghĩ và kính đề nghị các cấp lãnh đạo thành phố xem xét quyết định: Không thực hiện dự án đầu tư một sàn BTCT phủ một đoạn rất ngắn ở cửa sông Phú Lộc được đổ đất với lớp đất dày từ 0,80 ~ 1,00 m để hình thành một vườn hoa, sân chơi thể thao, bãi đậu đỗ xe… không thể hiệu quả cao cho mục tiêu cải tạo môi trường sông Phú Lộc; cũng không phát triển bền vững cho một vườn hoa “cải thiện môi trường sống cho người dân, đồng thời tạo cảnh quan cho Thành phố, góp phần tạo không gian thoáng mát cho khách du lịch cũng như nhân dân thành phố thư giãn, nghĩ chân, vui chơi ngắm cảnh, giải trí” như dự án đã nêu.
Nguyễn Nam
Theo