(Xây dựng) - Chiều 05/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tăng cường công tác đảm bảo trật tự đô thị, đồng thời sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đánh giá công tác đảm bảo TTXD, an toàn lao động của thành phố.
Theo ông Thái Ngọc Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, về xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), UBND quận, huyện đã tổ chức kiểm tra 8.952 lượt và phát hiện số công trình vi phạm là 353 (chiếm tỉ lệ 3,94% so với số lượt kiểm tra). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 5,549 tỷ đồng; tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ 120 trường hợp. Trong đó, xây dựng sai phép 187 trường hợp, tỉ lệ 52,9%; không phép 62 trường hợp, tỉ lệ 17,5%; trái phép (không phép trong khu quy hoạch) 84 trường hợp, tỉ lệ 23,8%; vi phạm khác 20 trường hợp, tỉ lệ 5,8%.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng thực hiện kiểm tra 650 lượt và phát hiện số công trình vi phạm là 106 công trình (chiếm tỉ lệ 16,3% so với số lượt kiểm tra). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,308 tỷ đồng; tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ 02 trường hợp. Trong đó, xây dựng sai phép 23 trường hợp, tỉ lệ 21,7%; không phép 9 trường hợp, tỉ lệ 8,5%; vi phạm khác 74 trường hợp, tỉ lệ 69,8%. So sánh với cùng kỳ năm 2017, số lượng xử lý vi phạm tăng từ 40 công trình lên 106 công trình; tiền xử phạt tăng 1,21 tỷ đồng lên 3,308 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan tập trung kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn phụ trách, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn. Tổng số lượt kiểm tra công trình là 9.602 lượt. Qua đó phát hiện 459 trường hợp vi phạm, xử phạt 8,857 tỷ đồng và tháo dỡ 122 công trình vi phạm. Việc xử lý vi phạm về TTXD một cách nghiêm khắc nêu trên đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế tối đa việc chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Đánh giá tình hình thanh kiểm tra, Sở Xây dựng cũng nhận thấy, số lượt kiểm tra từ UBND quận, huyện rất lớn, nhưng việc phát hiện công trình vi phạm còn hạn chế. Có nhiều trường hợp xử lý vi phạm thực hiện khi công trình đã đưa vào sử dụng, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Công tác xử lý vi phạm TTXD tại địa phương của các quận, huyện theo các văn bản đề nghị, đôn đốc của Sở Xây dựng còn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; chưa báo cáo đúng thời hạn theo đề nghị của Sở Xây dựng; một số trường hợp Sở Xây dựng phải thực hiện đôn đốc nhiều lần.
Việc kiểm tra tình hình xây dựng tại địa phương được UBND các quận, huyện thực hiện mang tính thường xuyên. Tuy nhiên, một số đơn vị không xây dựng kế hoạch chi tiết kiểm tra, không lập danh mục theo dõi kết quả kiểm tra, số lượt kiểm tra, tình hình xử lý vi phạm và theo dõi kết quả thực hiện. Việc này dẫn đến công tác báo cáo kết quả thực hiện chưa chi tiết, đầy đủ và chưa phản ánh được tình hình quản lý TTXD tại địa phương.
Chủ tịch UBND các quận, huyện thống nhất cam kết triển khai xử lý và không để tái diễn đối với 570 điểm, khu vực có vi phạm về trật tự đô thị.
Cán bộ, viên chức thực hiện công tác quản lý TTXD ở quận/huyện còn hạn chế về trình độ trong lĩnh vực xây dựng (tỉ lệ khoảng 10%, tương đương 40 người có trình độ từ trung cấp xây dựng trở lên)... Cùng việc tinh giản biên chế, không tránh khỏi một số phòng, ban, đơn vị bị thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là nhân sự trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD, đây là lĩnh vực đã được UBND thành phố phân cấp cho UBND các quận, huyện để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và lợi ích của công tác an toàn vệ sinh lao động, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại một số doanh nghiệp còn sơ sài, mang tính hình thức, chưa xác định được mục tiêu cụ thể của các hoạt động do đó chưa tạo được nhận thức của chính người sử dụng lao động và bản thân người lao động trong việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động...
Ngoài ra, đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo các quận, huyện cũng có những tham luận liên quan như: Điều chỉnh, bổ sung các tuyến đường cấm đỗ xe, phân luồng giao thông và đề xuất các giải pháp tăng cường xử lý các hành vi vi trật tự giao thông đô thị; Quản lý quy hoạch, cấp phép và kiểm tra, xử lý sau cấp phép xây dựng; Quản lý trật tự vỉa hè, đường phố; môi trường đô thị; An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình...
Cuối hội nghị, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện thống nhất cam kết triển khai xử lý và không để tái diễn đối với 570 điểm, khu vực có vi phạm về trật tự đô thị (liên quan: TTXD, vệ sinh môi trường, giao thông đô thị, an toàn lao động) trên địa bàn thành phố đã được rà soát.
Nguyễn Tuấn
Theo