Thứ sáu 29/03/2024 06:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đà Nẵng: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu triển khai chậm so với kế hoạch

15:57 | 09/05/2023

(Xây dựng) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ để triển khai đồ án quy hoạch chung, trong đó liên quan đến công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu.

Đà Nẵng: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu triển khai chậm so với kế hoạch
Ông Lê Tùng Lâm - Bí thư Quận ủy quận Thanh Khê: Đà Nẵng đã có những ý kiến đề xuất liên quan đến công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu.

Qua thời gian gần 1 năm triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch phân khu, kết quả công việc vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Liên quan đến công tác thực hiện quy hoạch phân khu hiện nay, ông Lê Tùng Lâm - Bí thư Quận ủy quận Thanh Khê - Đà Nẵng đã có những ý kiến tham gia thảo luận tại Kỳ họp 10 của HĐNDTP với chuyên đề: “Các vấn đề cần quan tâm đối với công tác lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu của thành phố”.

Theo ông Lê Tùng Lâm: Hiện nay theo kế hoạch, thành phố đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có nội dung liên đến công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu. Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thành phố có 12 phân khu. Quy hoạch phân khu là căn cứ, cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết đô thị. Chính vì vậy vấn đề về tiến độ và chất lượng của các đồ án quy hoạch phân khu hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch, Dự án phát triển kinh tế xã hội, công trình trọng điểm của thành phố và các địa phương đã đề ra.

Về việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, hiện nay, thành phố đang tiến hành việc lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt các đồ án. Trong quá trình thực hiện, thành phố đã chia ra thành 19 đồ án quy hoạch phân khu ứng với 12 phân khu theo quy hoạch chung. Tính đến nay đã hoàn thành lập 9/19 đồ án quy hoạch phân khu, đã phê duyệt 01/09 đồ án, đang thẩm định 04/09 đồ án quy hoạch phân khu K. Như vậy so với kế hoạch hiện nay tiến độ phê duyệt quy hoạch phân khu không đạt tiến độ đề ra theo kế hoạch trong năm 2022 cần phê duyệt 04 đồ án.

Ngoài các nhiệm vụ đã được đề ra theo kế hoạch và tuân thủ các quy định, quy trình, thủ tục liên quan đến công tác lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu. Thực tiễn đặt ra yêu cầu rất lớn về tiến độ và chất lượng các đồ án này. Nếu chậm trễ thì đánh mất các cơ hội hoặc không có cơ sở triển khai các bước liên quan đầu tư xây dựng. Nếu vội vàng thì có nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Đây là vấn đề hết sức nan giải, thách thức rất lớn cần tập trung, nỗ lực giải quyết, vượt qua. Thành phố cần đề ra các giải pháp, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn để rút ngắn thời gian của từng khâu, từng bước trong tiến trình lập, góp ý, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đồ án.

Chia sẻ về những vấn đề địa phương quan tâm, kỳ vọng vào các đồ án quy hoạch phân khu, đặc biệt các quy hoạch phân khu lần này, dự kiến cơ bản hoàn thành phê duyệt năm 2023, nhân dân, cử tri trông đợi, kỳ vọng đối với công tác triển khai việc lập phê duyệt quy hoạch phân khu lần này, ông Lê Tùng Lâm - Bí thư quận ủy quận Thanh Khê - Đà Nẵng cho biết: Đối với lập phê duyệt quy hoạch phân khu lần này phải đảm bảo các yêu cầu về tiến độ và chất lượng, với phương châm 3 cần: “Cần rõ hơn! Cần nhanh hơn! Cần tốt, hiệu quả hơn!”. Nhằm khắc phục căn cơ các tồn tại tại hạn chế, bất cập đối với hạ tầng đô thị trong thời gian qua và đã được nêu rất nhiều lần trong báo cáo của chính quyền các cấp và ý kiến người dân qua nhiều các buổi tiếp xúc cử tri.

Đà Nẵng: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu triển khai chậm so với kế hoạch
Quy hoạch Đà Nẵng: Quy hoạch phân khu nếu thực hiện chậm trễ sẽ đánh mất các cơ hội hoặc không có cơ sở triển khai các bước liên quan đầu tư xây dựng.

Cử tri, người dân kỳ vọng thông qua quy hoạch phân khu phê duyệt lần này, các vấn đề bức xúc lâu nay về việc không còn thiếu chỗ đậu, đỗ xe, ùn tắc giao thông, thiếu thiết chế văn hóa, trật tư vỉa hè không đảm bảo, thiếu cây xanh, vệ sinh môi trường còn bất cập, thoát nước, xử lý ngập úng cục bộ… sẽ được giải quyết căn cơ, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Đồng thời người dân địa phương cũng quan tâm, đối với khu vực trung tâm thành phố, đô thị cũ hiện hữu, hầu như không còn dư địa, vấn đề đặt ra đó là có cách nào để quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình công cộng mới để phục vụ nhân dân, cộng đồng ngoài phương cách giải phóng mặt bằng tốn kém và gây xáo trộn lớn sinh hoạt, đời sống nhân dân. Nếu không thì sẽ rơi vào tình huống: Khát vọng thì mạnh mẽ, Kỳ vọng thì nhiều, còn ý tưởng, giải pháp khắc phục thì nghèo nàn không khả thi. Đối với khu vực trung tâm thành phố, khu vực đô thị cũ, một số khu vực có mật độ dân số cao, hạ tầng thấp kém thì phương án chỉnh trang/ tái thiết đô thị ra sao, các khu dân cư có nhiều kiệt, hẻm sâu, đan xen thì việc tiếp cận giao thông công cộng hiện tại và tương lai sẽ gặp khó khăn, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào…

Liên quan đến tiến độ và chất lượng đồ án quy hoạch phân khu hiện nay, đặc biệt là quy hoạch phân khu liên quan khu vực trung tâm, đô thị cũ, ông Lê Tùng Lâm có kiến nghị: Đề nghị đơn vị Tư vấn cần quan tâm xem xét, cập nhật, nắm bắt các nhu cầu, yêu cầu của chính quyền, người dân địa phương về mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch, Dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương. Về nhu cầu đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của từng khu dân cư, địa phương liên quan. Các chủ thể liên quan trong tiến trình lập, góp ý, phê duyệt quy hoạch, cần nắm bắt thông tin, dữ liệu của các ngành và địa phương để thực hiện tốt nguyên tắc cần tích hợp các quy hoạch, đặc biệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng xã hội đô thị.

Đối với khu vực đô thị cũ, hiện hữu, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành thì chỉ tiêu sử dụng đất của công trình dịch vụ công cộng sẽ thấp hơn so với khu vực đô thị mới. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc một số chỉ tiêu, quy định của các ngành dẫn đến khó khăn, bất cập trong quá trình lập quy hoạch để đảm bảo quy định quy hoạch xây dựng và nhu cầu thực tế của địa phương đối với các công trình hạ tầng xã hội. Đây là vấn đề quan trọng cần được Tư vấn quan tâm, phân tích, làm rõ, đề xuất các giải pháp phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra cho đơn vị Tư vấn đó là cần có ý tưởng mới mẻ, đột phá, đề xuất các giải pháp phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị một cách sát hợp với thực tiễn, vừa có tính sáng tạo vừa có tính kế thừa. Có như vậy mới có cơ sở triển khai các dự án/ công trình, hạng mục có chức năng, công năng hỗn hợp, kết hợp tại các khu dân cư, đơn vị ở nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu cấp thiết về hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng thoát nước, hạ tầng thương mại dịch vụ, thiết chế văn hóa cơ sở, vệ sinh môi trường…

Cần quan tâm nội dung, nâng cao chất lượng Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu theo hướng bảo tồn, phát huy các công trình kiến trúc có giá trị, các di sản, di tích văn hóa lịch sử, truyền thống. Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc sắc sẵn có của địa phương để đề xuất các ý tưởng, giải pháp quy hoạch các tuyến phố, trục giao thông chính của các khu vực trong đô thị tạo ra các không gian xanh-sạch-đẹp hơn, trở nên hấp dẫn, thu hút hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển các dịch vụ du lịch ngày càng hiệu quả hơn. Sử dụng công nghệ, phần mềm hiện đại như GIS, viễn thám, mô phỏng quy hoạch, thiết kế đô thị 3D… để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch nói chung và công tác khảo sát, cập nhật bản đồ địa hình nói riêng. Nâng cao hiệu quả sự tham gia góp ý, giám sát của cộng đồng và địa phương trong các bước, các khâu của tiến trình lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch và quy hoạch phân khu.

Nguyễn Nam (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load