Thứ tư 24/04/2024 18:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đà Nẵng: Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gì từ dịch Covid-19

19:06 | 05/05/2020

(Xây dựng) - Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 2.383 đơn vị. Số lượng lao động bị ảnh hưởng khoảng 57.361 người, trong đó có 7.090 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 18.421 lao động bị ngừng việc và 31.850 lao động bị ảnh hưởng khác.

da nang cac doanh nghiep chiu anh huong gi tu dich covid 19
Lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng trong thời gian quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh (ảnh tư liệu).

Lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất tại Đà Nẵng đó là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là thành phố du lịch nên chịu tác động nặng nề nhất. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí, đặc biệt khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu, điểm... thậm chí, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Tổng thiệt hại trực tiếp của ngành Du lịch Đà Nẵng dự kiến trong quý I/2020 khoảng hơn 1.859 tỷ đồng, lũy kế đến quý II/2020, dự kiến tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng.

Lượng khách lưu trú trong quý I/2020 ước đạt 1.255.470 lượt khách, giảm 25% so cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.569 tỷ đồng, giảm 23,7% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 435,5 tỷ đồng, giảm 19,5%.

Lượng du khách đến Đà Nẵng nhiều nhất trong những năm qua là Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng tính đến nay đã giảm 90-100% lượng khách do việc tạm dừng toàn bộ các đường bay trực tiếp thường kỳ và thuê chuyến đến Đà Nẵng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào phụ thuộc cung ứng từ Trung Quốc. Sức mua trên thị trường trong nước và xuất khẩu giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2020 ước tăng 0,73% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố đến nay ước đạt 332,9 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ 2019; kim ngạch nhập khẩu quý I/2020 ước đạt 256,7 triệu USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ 2019.

Về thị trường bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2020 ước đạt 14.530,9 tỷ đồng, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ 2019, tập trung ở một số mặt hàng y tế, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch; đối với các mặt hàng khác, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Lượng hàng hóa tại các siêu thị vẫn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sản phẩm.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tính đến 15/4/2020 là 1.187 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.265 tỷ đồng, giảm 38% về số doanh nghiệp và giảm 44,5% về số vốn so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó hoàn tất thủ tục giải thể cho 238 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 991 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

Để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch lên các chỉ tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội của Đà Nẵng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp. Tập trung hoàn thiện danh sách các nhóm đối tượng hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ cho thêm 03 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố, bao gồm thân nhân người có công Cách mạng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phân cấp mạnh và cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo tập trung các công trình động lực và trọng điểm của thành phố, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đến ngày 31/3/2020 đạt 1.248 tỷ đồng/12.373 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2019.

Chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát để giảm, giãn các khoản chi thường xuyên theo nguyên tắc giảm 100% các khoản chi chưa có nội dung chi, các khoản chi không triển khai thực hiện do tình hình dịch bệnh Covid-19. Giảm, giãn các khoản chi chưa thực sự cần thiết, giảm 10% chi thường xuyên của các đơn vị dự toán.

Bên cạnh việc ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, chính quyền thành phố vẫn đề ra nhiều giải pháp nhằm đảo bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.

Ngọc Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load