(Xây dựng) - Ngày 21/3, Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC đã thông qua nhiều nội dung quan trọng tại cuộc họp thường niên năm 2015 trong đó có kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng năm 2015.
Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC năm nay diễn ra sớm hơn thường lệ, giữa lúc Tập đoàn FLC đang trong giai đoạn cao điểm triển khai cùng lúc nhiều dự án bất động sản với tổng quy mô vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Theo kế hoạch, các dự án sẽ lần lượt được khai trương, mở bán từ quý 1/2015 và sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận đột biến cho Tập đoàn trong năm 2015. Đó có lẽ là lý do khiến các báo cáo kinh doanh 2014, phương hướng, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng vốn trong năm 2015 cũng như cả các câu hỏi của cổ đông đều tập trung vào mảng đầu tư - kinh doanh bất động sản của Tập đoàn.
2014: Dấu ấn - Bản lề
Tại Đại hội, Báo cáo của Ban Tổng giám đốc đánh giá, 2014 tiếp tục là một năm thành công về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn FLC, với doanh thu hợp nhất 2.404 tỷ đồng, tăng 133% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế 454 tỷ đồng, tăng 331% so với năm 2013 và vượt 44% kế hoạch; giá trị sổ sách của cổ phiếu FLC đạt 12.430 đồng/cổ phiếu.
Hội trường đã chật kín cổ đông đến tham dự.
Năm 2014, bất động sản không chiếm phần nhiều trong cơ cấu tổng doanh thu của FLC, nhưng đây lại là lĩnh vực ghi dấu ấn đậm nét của Tập đoàn trên thị trường, từ khâu tích lũy đến triển khai dự án, qua đó tạo cơ sở, động lực cho sự bứt phá về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
Năm 2014, Tập đoàn đã M&A được 2 dự án là FLC Complex và FLC Star Tower (tên mới của các dự án), mức đầu tư tương ứng 1.200 và 1.100 tỷ đồng. Cùng với FLC Garden City (3.500 tỷ đồng) được mua về cuối năm 2013, hai cái tên mới đã bổ sung cho danh mục các dự án bất động sản lớn gắn thương hiệu FLC.
Song song với các dự án được mua về, năm qua, FLC cũng phát triển nhiều dự án khác, trong đó có các đại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort (5.500 tỷ đồng) và BT xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa (7.000 tỷ đồng); các dự án khu công nghiệp Tam Dương II – Vĩnh Phúc (1.300 tỷ đồng), Hòn La II - Quảng Bình (1.600 tỷ đồng), Chấn Hưng – Vĩnh Phúc (1.100 tỷ đồng).
Tất cả các dự án kể trên, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, đã và sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2015. Hiện trên các công trường dự án của Tập đoàn đang có khoảng 4.000 nhân lực, thay nhau làm việc 3 ca (24/24h).
“Với mục tiêu khánh thành vào đầu tháng 5 tới, kịp phục vụ Năm du lịch Quốc gia 2015 được tổ chức tại Thanh Hóa, đại công trường FLC Samson Beach & Golf Resort đang tập trung đông nhất nhân lực và vật lực. Công trường hiện có khoảng 50 chuyên gia nước ngoài, 400 kỹ sư và 3.000 công nhân”, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn chia sẻ thông tin. Ông Thắng còn cho biết thêm, chính lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã gắn biệt danh “Thần đèn” cho FLC khi chứng kiến tiến độ thần tốc tại dự án.
Đại diện ban tổ chức thông báo chương trình đại hội và được cổ đông nhất trí thông qua.
Năm 2014 cũng là một năm ghi dấu ấn của FLC trên thị trường vốn. Trong năm qua và đầu tháng 1/2015, Tập đoàn đã tiến hành thành công các đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho nhà đầu tư chiến lược, nâng vốn điều lệ từ 771 tỷ đồng lên mức 3.748 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn đầu tư cho các dự án của Tập đoàn.
Cổ phiếu FLC có khối lượng giao dịch thường xuyên đứng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam với bình quân trên 11 triệu cổ phiếu/phiên và là thành phần của chỉ số VN30, được hai quỹ ETF ngoại là FTSE và Market Vectors Vietnam đưa vào danh mục đầu tư (Quỹ Market Vectors Vietnam đã trở thành cổ đông lớn). Ngoài ra, Tập đoàn cũng dành được rất nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài khác trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Tập đoàn cũng đang tiến hành các thủ tục để tiến tới niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Singapore, mở ra cơ hội lớn hơn trong việc kết nối và huy động được nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Tham dự Đại hội có sự góp mặt của hai nhà cổ đông nước ngoài là Deutsche Bank và Market Vectors ETF Trust với tổng tỷ lệ sở hữu khoảng 10%.
2015: Bứt phá
Từ những thành quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tích lũy dự án bất động sản của năm 2014, năm 2015 được đánh giá sẽ là năm bứt phá về doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn FLC khi các dự án bất động sản đồng loạt được khai trương, mở bán.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, năm 2015, FLC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 5.535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều gấp hơn 2,5 lần mức đạt được năm 2014.
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên mức gần 8.400 tỷ đồng trong năm 2015 từ nguồn lợi nhuận thặng dư và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Toàn bộ vốn điều lệ tăng thêm sẽ được đầu tư cho các dự án bất động sản mà Tập đoàn đang triển khai. Số thặng dư sẽ bổ sung cho vốn lưu động.
“Nhận định thị trường bất động sản năm 2015 sẽ khởi sắc cùng với chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh, Tập đoàn cùng các đơn vị liên kết cần tập trung nguồn lực cho những dự án đang triển khai xây dựng nhằm có thể sớm nhất đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường... Việc tăng vốn của Tập đoàn do vậy là thật sự cần thiết và cần phải thực hiện để triển khai thành công kế hoạch kinh doanh năm 2015 và những năm tiếp theo”, ông Doãn Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, giải thích về lý do tăng vốn.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, giải thích thêm: Sở dĩ Tập đoàn nhanh chóng mở rộng đầu tư và khẩn trương triển khai thi công đồng loạt các dự án bất động sản là nhằm tranh thủ cơ hội thị trường phục hồi trong năm nay. Làm nhanh, làm gấp để chớp thời cơ, để chuyển hóa cơ hội thành lợi nhuận.
“Các dự án chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu đột phát cho Tập đoàn trong năm nay, nhưng nhu cầu vốn để triển khai các dự án là rất lớn, cần được bổ sung. Nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước sẵn sàng tài trợ, song Ban lãnh đạo Tập đoàn chủ trương giữ lại lợi tức cho cổ đông nên ưu tiên huy động vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và từ cổ đông hiện hữu”, ông Quyết nói và cho biết, chỉ riêng Vietinbank đã đồng ý tài trợ 25.000 tỷ đồng cho FLC giai đoạn 2014 – 2020, nhưng đến nay, Tập đoàn chưa sử dụng đến nguồn vốn tín dụng này.
Năm 2015, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục đàm phán nhận chuyển nhượng thêm một số dự án nhà ở khác với các điều kiện hợp lý, đặc biệt là các dự án đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng để có thể triển khai thi công ngay, nhằm rút ngắn thời gian, đón được cơ hội phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
Trả lời câu hỏi cổ đông về chất lượng của khối tài sản được hạch toán 5.700 tỷ đồng trong báo cáo tài chính 2014, ông Quyết cho biết, giá trị thực của chỉ riêng các dự án mà Tập đoàn đang triển khai đã lớn hơn con số đó nhiều, khoảng 10.000 tỷ đồng theo định giá của Savills.
Ban chủ tọa Đại hội đồng cổ đông FLC trả lời các câu hỏi của cổ đông
“Do chúng ta chưa đi vay để phát triển dự án nên quý vị cổ đông có thể coi đó là giá trị tài sản ròng của mình”, ông Quyết nói. “Savills định giá FLC xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tương đương 28.000 tỷ đồng. Đây là mức định giá được tiến hành độc lập bởi tổ chức quốc tế chuyên về bất động sản. Với đánh giá này, tôi nghĩ rằng, việc cổ đông có tăng vốn lên 8.000 tỷ đồng, chứ 10.000 tỷ đồng thì vẫn rất hấp dẫn so với những gì mà chúng ta đang sở hữu”.
Nguyên Minh
Theo