Thứ bảy 20/04/2024 15:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đã đến lúc Đà Lạt cần phải lớn hơn

20:12 | 26/01/2021

(Xây dựng) - Trao đổi với phóng viên về đồ án phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, người đứng đầu ngành Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thể hiện quyết tâm đưa xứ sở mộng mơ trở thành một trung tâm lớn của cả nước và khu vực, không chỉ về mặt nghỉ dưỡng, du lịch truyền thống.

da den luc da lat can phai lon hon
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng.

PV: Ông có thể nêu lên điểm nhấn của một Đà Lạt mới vào thời điểm này, năm 2021 sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Đó là con đường để nâng tầm Đà Lạt, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mục đích của các quy hoạch này là thế. Quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thì mở rộng thành phố Đà Lạt này tương đương như Thành phố Hà Nội bây giờ. Tức là Đà Lạt sẽ gồm cả các huyện lớn như: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần của Lâm Hà.

Chúng ta sẽ thấy một Đà Lạt không phải ngấp nghé độ cao trên dưới 1.500m, mà sẽ gồm nhiều vùng khác có độ cao 850m so với mực nước biển trở lên. Vì với tầm 800m trở lên thì khí hậu tương đồng với Đà Lạt.

da den luc da lat can phai lon hon
Bản đồ các đô thị vệ tinh Đà Lạt

PV: Theo ông, đâu là động lực chính để chúng ta có thể mở rộng Đà Lạt lên quy mô lớn gần 9 lần như thế?

Ông Lê Quang Trung: Ngoài mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng tôi căn cứ vào tốc độ phát triển, đánh giá tiềm năng của Đà Lạt so với các khu vực, đặc biệt là sự liên kết của Đà Lạt, của Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng trong thời điểm hiện tại và tương lai, Đà Lạt sẽ là trung tâm của quốc gia và quốc tế. Do vậy Đà Lạt không thể nào mặc mãi chiếc áo cũ như thế được, cần phải có sự thay đổi, mở rộng thành phố này ra. Vấn đề là mở rộng, phát triển như thế nào để không mất đi bản sắc về cảnh quan, khí hậu, kiến trúc và văn hóa. Chính vì thế, chúng tôi đã và đang tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về mặt kỹ thuật.

Khi mới hình thành, Đà Lạt chỉ là nơi nghỉ dưỡng, nhưng sau này nó là trung tâm du lịch rồi. Nghĩ dưỡng kết hợp với du lịch chứ không phải chức năng nghỉ dưỡng là chủ yếu nữa. Bây giờ du lịch trở thành động lực kinh tế của tỉnh rồi.

da den luc da lat can phai lon hon
Chợ Đà Lạt

PV: Các đô thị vệ tinh chia sẻ điều gì với thành phố Đà Lạt hiện nay thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Cấu trúc của đô thị Đà Lạt đó là đô thị truyền thống. Các đô thị còn lại là đô thị vệ tinh mang tính chất chia sẻ cho đô thị truyền thống. Do vậy, mỗi vệ tinh có chức năng khác nhau và có chia sẻ với chức năng của trung tâm. Nơi nào là sinh thái thì sẽ cho mang bản sắc của sinh thái. Ví dụ như Lạc Dương, D’Ran là đô thị sinh thái, sẽ phát triển nghỉ dưỡng chứ không phải là các trung tâm thương mại.

Tại những khu vực khác, có mật độ thấp hơn như Lạc Dương cũng đang tăng diện tích đất ở, Đơn Dương cũng có tăng, rồi Lâm Hà cũng tăng, nhưng mà cái tăng của những đơn vị này là tăng theo nhu cầu. Hiện nay Đức Trọng mới là nơi đất ở tăng cơ bản theo quy hoạch. Trong tương lai, Đức Trọng là đô thị chia sẻ rất nhiều chức năng cho Đà Lạt kể cả chức năng về thương mại, dịch vụ rồi vấn đề ở, đất ở cho người dân. Đức Trọng đang có xu hướng phát triển mạnh về tất cả các chức năng chính của Đà Lạt.

PV: Liệu có những cơ chế đặc thù nào để giúp đồ án phát triển Đà Lạt và các vùng phụ cận được thực hiện suôn sẻ?

Ông Lê Quang Trung: Với quy mô như vậy, để đầu tư được theo quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ có ban hành cơ chế đặc biệt cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện đồ án phát triển Đà Lạt và các vùng phụ cận. Thứ nhất là ưu tiên huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Thứ hai là chính sách về thuế nhập khẩu. Vì đã quy hoạch là thành phố du lịch nhưng có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho nên là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì sẽ được ưu đãi về thuế rất nhiều. Ví dụ như là doanh nghiệp nhập khẩu các vật liệu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì được miễn thuế…

Về chuyển nhượng bất động sản UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung phù hợp với pháp luật hiện hành. Cơ chế này chỉ áp dụng cho đề án quy hoạch đã được duyệt của Đà Lạt và các vùng phụ cận, không phải áp dụng cho toàn bộ tỉnh Lâm Đồng.

PV: Đã 6 năm trôi qua kể từ khi Chính phủ ra quyết định thực hiện đồ án. Vậy ông có thể cho biết tỉnh đã làm được những gì, và tiếp tới sẽ làm như thế nào để quy hoạch này hiện lên rõ hơn trên thực tế?

Ông Lê Quang Trung: Đánh giá qua 6 năm thực hiện, thì quy hoạch này đã đạt được rất nhiều. Thứ nhất là định hướng phát triển cho các đô thị, cho từng đô thị trong hệ thống, đô thị trong vùng phụ cận Đà Lạt này. Thứ hai là đã thực hiện một số tuyến đường kết nối đô thị và đô thị vệ tinh. Thứ ba là đã hình thành các khu đô thị, khu chức năng theo đúng quy hoạch và phục vụ cho thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhiều nơi như khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch thác Prenn, khu du lịch Đankia-Suối Vàng, những khu du lịch có quy mô lớn, như hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia rồi. Cơ sở hạ tầng của các đô thị cũng được nâng cấp và chỉnh trang… Rồi mô hình như làng đô thị xanh cũng đang triển khai. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế, cũng còn một số vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ như nhiều nơi cư dân sinh sống lâu đời nhưng trên bản đồ thể hiện là rừng, hoặc như tuyến vành đai, vẽ trên giấy thì ổn, nhưng khi vào thực tế thì thấy không khả thi vì phải xuống thung lũng rồi trồi ngược lên núi, nếu có làm thì chỉ có thể thực hiện được từng đoạn, không thể kết nối tuyến.

Sắp tới đây, trong năm 2021 này, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh đồ án quy hoạch này để tăng tính khả thi. Trong đó, quan trọng nhất là những điều chỉnh liên quan đến quản lý đất đai, vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông, các yếu tố liên quan đô thị di sản…

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Làng đô thị xanh – “Đặc sản” của Đà Lạt

Nằm trong đồ án phát triển Đà Lạt và các đô thị vệ tinh, Làng Đô thị xanh dự kiến hình thành tại thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ. Diện tích dự án 180ha, với 1.500 dân. Làng đô thị xanh hội đủ các tiêu chí không gian ở xanh, không gian thiên nhiên xanh, kinh tế xanh, môi trường xanh, năng lượng xanh.

Hiện nay, đề án xây dựng làng đô thị xanh đã được phê duyệt. Sở Xây dựng cũng đã hoàn thành quy hoạch phân khu cho làng đô thị xanh và đang lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ trở thành một nét độc đáo của Đà Lạt, và có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Tâm Bút (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load