Bị cáo Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cùng 3 bị cáo khác đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ phạm tội và hậu quả hành vi phạm tội của họ.
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương hồi tháng 8/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Sáng 27/12, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) cùng 3 bị cáo khác trong vụ thao túng "đất vàng" liên quan đến Tổng công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).
Ba bị cáo khác cùng có đơn kháng cáo gồm: Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2); Lý Thanh Châu (cựu Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty 3/2).
Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ phạm tội và hậu quả hành vi phạm tội của họ. Các bị cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như: lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…
Trước đó, tháng 8/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí."
Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2 Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và 11 năm tù về tội "Tham ô tài sản."
Cựu thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2 Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù.
Cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty 3/2 Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí."
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận cáo trạng truy tố và nhận thức sai phạm. Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo Liêm, mặc dù là Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng công ty 3/2 nhưng bị cáo không biết tới những văn bản liên quan trực tiếp tới việc cổ phần hóa. Với chức trách thời điểm đó, bị cáo chưa làm hết nhiệm vụ của bản thân.
Về vấn đề này, chủ tọa lưu ý bị cáo quyền khai báo là của bị cáo nhưng Hội đồng xét xử sẽ đánh giá, xem xét thái độ khai báo, từ đó đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo.
Sau đó, bị cáo Liêm cũng thừa nhận việc tòa cấp sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" là đúng nhưng bản thân bị cáo cho rằng mức hình phạt 7 năm tù là cao nên đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thông báo bị cáo Liêm và luật sư có nộp thêm tài liệu chứng cứ mới, thể hiện việc bị cáo đang điều trị bệnh, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình bị cáo tự nguyện nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả (đã có biên lai).
Bị cáo Trần Nguyên Vũ có thêm tài liệu thể hiện sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả (đã có biên lai)… Hai bị cáo còn lại nộp thêm chứng cứ mới liên quan đến việc khắc phục hậu quả.
Trong vụ án này, ngày 18/12/2015, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 3332/QĐ-UBND về việc cổ phần hóa Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương, thời điểm chốt sổ cổ phần hóa ngày 31/12/2015.
Ngày 29/1/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương gồm 10 thành viên do Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là Trưởng ban; Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương) là Phó ban Thường trực và 8 thành viên khác.
Ban Chỉ đạo cổ phần hóa có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cổ phần hóa Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương theo quy định của pháp luật hiện hành…; thẩm tra và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Cũng theo bản án sơ thẩm, Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy); Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy); Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) và Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính đảng thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương), với trách nhiệm được giao quản lý tài sản, vốn Nhà nước và theo dõi giám sát hoạt động, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương và Công ty đầu tư và quản lý Dự án Bình Dương.
Những cựu cán bộ này biết việc chuyển nhượng Khu đất 43 ha của Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương đã làm trái quy định của pháp luật và trái với phương án sử dụng đất của Tỉnh ủy đã phê duyệt, nhưng không thực hiện các biện pháp để quản lý, bảo toàn tài sản của Nhà nước, không ngăn chặn, hủy bỏ việc chuyển nhượng trái pháp luật để chuyển trả khu đất 43 ha về cho Công ty Impco theo đúng phê duyệt của Tỉnh ủy.
Đối với khu đất 145ha, Trần Thanh Liêm (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương) biết rõ chủ trương của Tỉnh ủy và phê duyệt phương án sử dụng đất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đối với khu đất 145 ha phải được kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa theo quy định của pháp luật nhưng vẫn ký Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương, trong đó không có giá trị quyền sử dụng khu đất 145ha.
Với hành vi nêu trên, Nguyễn Văn Minh, Trần Thanh Liêm và đồng phạm gây thất thoát đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước./.
Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)