Thứ sáu 08/11/2024 09:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cuộc chiến khẳng định “bản sắc” của trung tâm thương mại tại Việt Nam

10:09 | 07/07/2022

(Xây dựng) - Như chúng ta đã biết, áp lực kép của dịch bệnh cũng như bán lẻ trực tiếp đang bùng nổ mạnh mẽ thời gian gần đây, đã đặt các trung tâm thương mại (TTTM) vào bài toán phải nghiêm túc nhìn nhận và định vị lại vị thế của mình trên trường đua ngày càng khốc liệt.

cuoc chien khang dinh ban sac cua trung tam thuong mai tai viet nam

Thực tế đã có nhiều ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ phải ra đi như Auchan, Parkson… nhưng bên cạnh đó vẫn còn sự tồn tại bền bỉ, thậm chí phát triển mạnh mẽ như: Lotte, Vincom hay Aeon Mall… Và trong các thương hiệu nổi tiếng này, sự phát triển cũng mang màu sắc khác nhau và tất nhiên sự cạnh tranh về bản sắc của từng thương hiệu cũng là sự thách thức lớn đối với mỗi chủ doanh nghiệp.

Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều. Để đáp ứng và theo kịp nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi các nhà phát triển TTTM phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, thâm nhập thực tế để có cơ hội lắng nghe tâm tư, nhu cầu khách hàng cần gì, quan tâm gì, thích gì hay chưa thích gì, chứ không đơn giản chỉ chăm chăm đi tạo ra một địa điểm bán hàng.

Sức cạnh tranh đang dần mất đi?

Sự xuất hiện của các TTTM quy mô lớn trong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, không thể phủ nhận nó đã tác động to lớn đến thói quen mua sắm và hình thành văn hóa trải nghiệm dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam. Sự chuyển đổi này, một mặt đáp ứng được nhu cầu của khách thuê, mặt khác việc bổ sung thêm các khu vui chơi, giải trí, tiện ích, các hoạt động dành cho mọi lứa tuổi, cũng chính là đang thu hút đông đảo lượng khách hàng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “TTTM đang dần chiếm vị trí không thể thay thế trong đời sống người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Đây không còn chỉ là nơi để mua sắm mà đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các gia đình sống trong những căn hộ nhỏ, chung cư, luôn có nhu cầu về vui chơi giải trí”.

Trong cuộc trò chuyện bà cũng cho biết thêm: “Người Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn các TTTM thuận tiện di chuyển, có nhiều tiện ích vui chơi giải trí cho trẻ em và người lớn vào dịp cuối tuần. Hiện nay, Aeon Mall, Vincom và Lotte đang là những đơn vị phát triển TTTM xây dựng được văn hóa vui chơi trọn gói tại một địa điểm tốt hơn cả. Các TTTM này đều thu hút được lượt khách lớn hơn cả vào các dịp nghỉ lễ và cuối tuần”.

Thực tế hiện nay cho thấy, khi một số thương hiệu TTTM ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam và đưa ra mô hình phát triển lý tưởng, cho đến nay, hầu hết các TTTM tại Việt Nam đều đã học hỏi và làm được tốt những điều này. Người tiêu dùng dừng chân ở bất cứ TTTM nào cũng đều có thể trải nghiệm các dịch vụ “all in one”. Nếu ở Vincom có các gian hàng mỹ phẩm, thời trang của những thương hiệu nổi tiếng, khu vui chơi, rạp chiếu phim, ngành hàng ăn uống, siêu thị… thì tại Lotte hay bất kỳ một TTTM lớn nào, người tiêu dùng cũng được hưởng những dịch vụ tương tự như thế.

Điều này vô hình chung đã dẫn tới một tình trạng, việc cạnh tranh vốn được xem là rất quyết liệt của các nhà phát triển TTTM dường như chỉ đang diễn ra ở phần “giành vị trí đẹp”, làm cho bản sắc của mỗi thương hiệu trở thành phụ và không được để ý đến, hệ quả là tên tuổi của từng thương hiệu TTTM cũng giảm đi.

Theo khảo sát của người viết với các bà nội trợ, nhân viên văn phòng và một phần thuộc thế hệ GenZ, có đến gần 50% những người được hỏi cho biết họ không quá quan tâm đến việc sẽ đến TTTM của thương hiệu nào, mà thường quan tâm đến khoảng cách di chuyển và “chỗ nào mới thì đến trải nghiệm”. Nhưng những người được hỏi cũng cho biết, họ thường có ấn tượng đặc biệt với những TTTM có “bản sắc” riêng, ví dụ như các TTTM có sự đồng nhất trong thiết kế hoặc cách bố trí các gian hàng hợp lý, hay nhà vệ sinh đẹp…

Làm thế nào để tạo được bản sắc riêng?

Việc tạo ra cho thương hiệu của mình một dấu ấn riêng, một điều gì đó đặc biệt khiến ai chạm vào là ấn tượng, là nhớ, quả thực là một câu hỏi khó đối với đại đa số các nhà phát TTTM.

Theo bà Nguyệt Minh, TTTM vốn là mô hình bất động sản rất khó, yêu cầu sự đầu tư lớn từ thiết kế ban đầu, xây dựng, bố trí mặt bằng, phân bổ khách thuê, chiến lược cho thuê, marketing từ giai đoạn cho thuê cho đến xuyên suốt thời gian hoạt động vận hành TTTM.

Bà Nguyệt Minh nhận định, do kết cấu luôn có phần khối đế thương mại nằm trong phân khu dự án phức hợp nhà ở hoặc văn phòng, nên nhiều chủ đầu tư TTTM hiện nay chỉ xem việc bố trí mặt bằng bán lẻ và cho thuê là thứ yếu, ưu tiên việc bán nhà. Diện tích cho thuê cũng sẽ ưu tiên các nhóm khách hàng là tiện ích cho khu dân cư, ví dụ như café, nhà hàng, siêu thị…, chứ chưa áp dụng được mô hình TTTM hoàn chỉnh và bài bản tại dự án.

Nhưng thực tế, người tiêu dùng vẫn sẽ đến các cửa hàng truyền thống, miễn là nơi đó có những điều mới mẻ thú vị, thu hút được họ. Thậm chí trong tương lai, những yếu tố về trải nghiệm được nhận định sẽ vượt qua giá cả. Đồng nghĩa với việc, đòi hỏi các nhà quản lý, phát triển TTTM phải hiểu được thói quen mua sắm của khách hàng, tâm lý khách hàng để từ đó đưa ra được mô hình đáp ứng được họ. Nếu làm tốt điều này, thì chắc chắn sẽ tạo ra được sự riêng biệt cho thương hiệu mình.

Từ góc nhìn là một nhà phát triển TTTM chuyên biệt, đại diện Aeonmall Việt Nam cho biết, để duy trì và nâng cao vị thế của một nhà phát triển TTTM, điều cần thiết là phải đáp ứng phong cách sống đa dạng và nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng.

“Aeon Mall là nhà phát triển thiết kế cuộc sống. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cũng như công sức tìm hiểu về tâm lý khách hàng để thiết kế không gian thư giãn với nhiều tiện ích cho khách hàng. Khi đến các TTTM Aeon Mall, người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm sự hợp lý từ những điều nhỏ nhất như vị trí đặt thùng rác, bảng điện tử, hệ thống hướng dẫn tham quan, thậm chí là cách sắp đặt ở khu vực vệ sinh”, đại diện AEONMALL Việt Nam chia sẻ.

Để thực sự tìm ra được cái gọi là “Bản sắc riêng” cho mình, thì việc đầu tiên quyết định mà các nhà phát triển TTTM cần đưa ra để giải quyết đó là đặt lợi ích của khách hàng, của người tiêu dùng lên trên hết. Giải quyết được các vấn đề khách hàng đang cần và đang thiếu cũng như đang mong muốn có được, thì bạn sẽ nắm chắc phần thắng trong tay. Lúc đó khách hàng tự tìm đến với bạn, gắn kết như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Tưởng tượng lúc này cuộc đua giữa các nhà phát triển TTTM mới thực sự gay cấn và hấp dẫn, chứ không còn đơn giản chỉ là cạnh tranh nhau về vị trí đẹp như bây giờ.

Vũ Hảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load