Thứ sáu 19/04/2024 20:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Đầu tư nhân lực để đột phá

09:32 | 21/01/2020

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.

cuo c ca ch ma ng cong nghie p 40 da u tu nhan lu c de do t pha

Những tác động

Cách mạng công nghệ 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa, điều này làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.

Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Những kỹ năng của người lao động có thể được phân thành 3 nhóm: Một là các kỹ năng liên quan đến nhận thức; hai là các kỹ năng về thể chất; ba là các kỹ năng về xã hội.

Trong đó, các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình (self-reflection); khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập.

Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số.

Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử. Trong cuộc cách mạng sản xuất mới, khi tri thức tồn tại khắp nơi, xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống và hoạt động sản xuất, việc áp dụng những kiến thức chúng ta được học trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với bản thân những kiến thức đó.

Ngoài ra, khi hằng ngày hằng giờ đều có những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là những chìa khóa để người lao động thành công trong thời đại mới.

Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng xúc cảm cũng cần được phát triển để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thắng (Viện Công nhân và Công đoàn), ngày nay, các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực.

Vì thế cuộc cách mạng lần này cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động sẽ dư thừa tăng lên. ILO dự báo, Việt Nam trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao (có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có rủi ro trung bình (có xác suất bị thay thế từ 30-70%) và 12% có rủi ro thấp (có xác suất bị thay thế dưới 30%).

Có rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bằng các hệ thống, máy móc tự động hóa. Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: Nông, lâm và thủy sản (với 83,3% số việc làm có rủi ro cao); công nghiệp chế biến, chế tạo (74,4% số việc làm có rủi ro cao); bán buôn, bán lẻ (84,1% số việc làm có rủi cao).

Ngay cả công việc trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống ở Việt Nam với đặc điểm là lao động thủ công và có tính lặp đi lặp lại cao cũng có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc và thiết bị tự động. Những nghề có rủi ro cao là: Trồng trọt (khoảng 13,7 triệu việc làm); chăn nuôi (gần 3,2 triệu việc làm); làm vườn (1 triệu việc làm); đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (0,84 triệu việc làm)…

Chính vì vậy, các tổ chức công đoàn cần có các bước đi, chiến lược phù hợp nhằm làm tốt và chuẩn bị tốt hơn nữa cho sự hội nhập của Việt Nam với thế giới. Muốn làm được như vậy, chúng ta quan tâm các vấn đề sau:

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước hết thuộc về Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; đổi mới thể chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa. Ngoài ra, còn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề; của doanh nghiệp và đặc biệt là của bản thân người lao động.

Hai là, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề cho người lao động có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo hướng nội dung, hướng nhu cầu của thị trường, đặc biệt đẩy mạnh việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung: Cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

Ba là, tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải và duy trì việc làm cho người lao động; đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động công đoàn nhằm học hỏi kinh nghiệm ứng phó của các quốc gia dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng này được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ số với sự phổ biến của Internet, di động, các cảm biến và trí tuệ nhân tạo, được tích hợp các công nghệ thông minh, tiên tiến như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, đáp ứng chính xác nhu cầu đến từng khách hàng đơn lẻ. Chính vì vậy, cần có các tiếp cận bước đầu hiệu quả đối với các hoạt động công đoàn và các tổ chức công đoàn; đặc biệt là việc chuẩn bị cho người lao động bắt kịp thách thức của thời đại mới.

Cần giải quyết những thách thức và vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng hiện nay như tỉ lệ lao động nông thôn, nông nghiệp kỹ năng thấp còn cao (chiếm khoảng 70% dân số), kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững của Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Bên cạnh đó, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và thế mạnh để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên những thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại theo đặc trưng của cuộc CMCN 4.0, làm tiên phong thúc đẩy đưa đất nước đi lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, tiên tiến, hiện đại.

Theo Trần Quang Diệu/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load