Thứ sáu 20/09/2024 04:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Cần được giữ nguyên và bảo tồn

15:06 | 13/04/2021

(Xây dựng) - Đây chính là kiến nghị của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về việc ứng xử với công trình Cung Thiếu nhi cũ sau khi có dự án xây dựng Cung Thiếu nhi mới.

cung thieu nhi ha noi can duoc giu nguyen va bao ton
Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt không được phá hủy mà cần bảo tồn.

Vừa qua, Hà Nội đã khởi công xây dựng công trình Cung Thiếu nhi mới tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm). Dự án được thực hiện trên khu đất gần 40.000 m2, diện tích xây dựng hơn 10.000 m2, với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng.

Cung Thiếu nhi mới được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi, thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu và biểu diễn văn hóa của thiếu nhi Thủ đô; là môi trường thuận lợi để phát hiện, bồi dưỡng, phát huy những tài năng tương lai của đất nước.

Đây là công trình văn hóa hiện đại mà dư luận xã hội đánh giá cao, là dự án cần thiết khi Hà Nội đang thiếu các công trình văn hóa công cộng phục vụ thế hệ thiếu nhi trong tương lai. Tuy nhiên, dư luận cũng đặc biệt quan tâm về số phận của Cung Thiếu nhi cũ khi Cung Thiếu nhi mới đi vào hoạt động.

Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ là công trình do KTS Lê Văn Lân thiết kế, hoàn thành vào năm 1976. Công trình gồm 6 tầng, 100 phòng học, diện tích sàn hơn 10.000 m2. Cung Thiếu nhi Hà Nội cùng với Tòa nhà kiến trúc Pháp tạo nên quần thể kiến trúc hài hòa, trở thành di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt. Trải qua nửa thế kỷ, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc, là kí ức tuổi thơ của biết bao thế hệ thiếu nhi Thủ đô.

Hiện nay, Cung Thiếu nhi đang nằm trên vị trí đẹp nhất của quận Hoàn Kiếm, gần trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khách sạn Metropole… Đây được ví như khu đất vàng, là đích ngắm của các nhà đầu tư bất động sản.

Chính vì những điều này mà dư luận xã hội không khỏi lo lắng. Nhiều người cho rằng nếu như Cung Thiếu nhi bị phá hủy, không còn giữ nguyên hiện trạng thì đây sẽ là sự mất mát lớn đối với nhiều thế hệ thiếu nhi và thành phố. Thông tin về việc sử dụng Cung Thiếu nhi cũ như thế nào lại chưa được lãnh đạo TP Hà Nội trả lời thấu đáo.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Cung Thiếu nhi là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực Hồ Gươm. Công trình này có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại, là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới. Đồng thời, Cung Thiếu nhi đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của nhiều thế hệ thiếu nhi và người dân Hà Nội, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ và phát triển sau này. Do đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị cần giữ nguyên toàn bộ công trình kiến trúc thuộc Cung Thiếu nhi Hà Nội và không được phá hủy.

Quỹ đất của Cung Thiếu nhi là tài sản của Nhà nước, do đó không nên xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ. Thay vào đó cần chăm sóc, tu bổ và nâng cấp trang thiết bị của Cung Thiếu nhi, đưa công trình này trở thành Nhà văn hóa thiếu nhi của quận Hoàn Kiếm để đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em trong quận và khu vực lân cận.

Mặt khác, Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch 6 đồ án phân khu nội đô lịch sử của 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa. Hội Kiến trúc sư cho rằng thành phố cần kiên quyết không xây dựng các chung cư cao tầng tại khu nội đô lịch sử, tiến hành bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc - văn hóa lịch sử, các công trình văn hóa đương đại tiêu biểu; tăng cường không gian công cộng, không gian xanh… để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load