Hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Mát-xcơ-va không chỉ là một hệ thống giao thông quan trọng mà còn là một danh thắng nổi tiếng, niềm tự hào của nước Nga.
Với 12 tuyến chính, 186 ga, tổng chiều dài 301km, hàng ngày hệ thống gồm 800 đoàn tàu, mỗi đoàn 7 toa, chuyên chở hơn 8 triệu lượt người qua lại trong nội đô Mát-xcơ-va. Hôm nay, không một người dân thủ đô Nga nào có thể hình dung ra một Mát-xcơ-va mà không có tàu điện ngầm. Metro đã và mãi mãi là một công trình văn hóa - khoa học - nghệ thuật độc đáo và một phần hồn cốt, máu thịt của Mát-xcơ-va.
Tôi không rõ, cách đây 77 năm, khi tuyến metro đầu tiên dài 11,2km, gồm 13 nhà ga, được khánh thành và đi vào hoạt động, người ta đã vận hành ra sao, dân tình cảm giác thế nào (?), nhưng 33 năm trước, vào năm 1979 tôi đã từng ngỡ ngàng như lạc vào trong chuyện viễn tưởng khi đặt chân lên tàu điện ngầm Mát-xcơ-va.
Mỗi nhà ga có một dáng vẻ khác nhau, trong đó có những ga được thiết kế xây dựng như một cung điện lớn hoặc như một công trình kiến trúc với những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Mỗi một cái tên đều mang những ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt...
Nhà ga Ki-ép-xkai-a
Tôi đã từng vô cùng luyến tiếc vì khi ấy không có điều kiện ghi lại những hình ảnh của metro Mát-xcơ-va. Những tấm bưu thiếp lại chẳng thể "chứa đựng" được những cảm xúc mà người lần đầu đặt chân đến đây trải nghiệm. May mắn thay, vào tháng 11-2012, tôi lại có dịp lần thứ hai bước xuống hệ thống tàu điện ngầm này.
Hơn 30 năm trôi qua, vẫn vẹn nguyên như vậy, những ga tàu, những con người và nét kiến trúc, nét văn hóa đặc trưng... đầy ấn tượng. Ga tàu rộng lớn, sáng trưng lộng lẫy và sạch bóng. Những dòng người đan nhau vào ra, lên xuống khẩn trương và trật tự. Thói quen của hầu hết hành khách là đọc sách và nghe nhạc, họ rất ít khi nói to khi bước chân xuống tàu điện ngầm. Bạn gần như không thể nghe thấy bất cứ tiếng ồn ào nào ngoài những tiếng bước chân, tiếng bánh sắt siết trên đường ray mỗi khi tàu đến, tàu đi và tiếng phát thanh viên trong trẻo, mạch lạc hướng dẫn hành khách: "Hãy cẩn thận, cửa toa sắp đóng lại!"; "Chúng ta đang ở ga..., ga tiếp theo sẽ là ga..."; "Bạn hãy vui lòng nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai!"; "Đã đến ga..., khi xuống tàu bạn hãy đừng quên mang theo hành lý của mình!"...
Nếu biết chút ít tiếng Nga, bạn sẽ cảm thấy những câu mệnh lệnh được nghe trên tàu là rất vừa đủ, đủ để nuôi thiện cảm của bạn - một hành khách được phục vụ chu đáo, kịp thời, đủ cho sự hài lòng về một nét văn hóa giao thông hoàn thiện ở tầm cao nhất.
Cũng với một chút vốn liếng tiếng Nga, bạn có thể xem những bảng chỉ dẫn, sơ đồ bố trí thích hợp khắp nơi trong mỗi ga tàu để đi đến bất cứ địa điểm nào trong 1.081 cây số vuông của thủ đô Mát-xcơ-va không mấy khó khăn. Người ta đã tính, ngồi tàu điện ngầm đi xuyên từ đầu nọ đến đầu kia của Mát-xcơ-va chỉ mất vừa tròn 45 phút kể cả thời gian dừng đỗ tại tất cả các ga trên tuyến.
Bên trong các toa tàu luôn sạch sẽ và sáng sủa
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, người Mát-xcơ-va ngồi tàu điện ngầm khoảng một tiếng rưỡi. Có thể hiểu đây chính là phương tiện di chuyển chủ yếu của họ, huyết mạch giao thông của thủ đô. Các bến metro được bố trí tại tất cả 9 ga xe lửa trên mặt đất và ngay cạnh những địa danh du lịch nổi tiếng, những trung tâm giao dịch, mua sắm lớn ở Mát-xcơ-va.
Cứ 2 phút một chuyến tàu cập bến, với 12 trạm trung chuyển ở vòng ngoài, 5 trạm trung tâm và 10 tuyến xuyên tâm, metro Mát-xcơ-va thực sự xứng đáng là hệ thống tàu điện ngầm tiện lợi, hiện đại và đẹp nhất thế giới. Đã gần 80 năm trôi qua, hệ thống này vẫn hoạt động đều đặn, không ngừng gia tăng số nhà ga, đáp ứng nhu cầu sử dụng mỗi ngày một gia tăng theo thời gian. Metro Mát-xcơ-va được coi là ưu việt nhất, độc đáo nhất trong các đường metro trên thế giới, về độ an toàn và tần suất cũng như tốc độ di chuyển của các chuyến tàu, đặc biệt vào những giờ cao điểm, về hệ thống điều khiển giao thông, hệ thống bảo vệ trật tự công cộng.
Có người đã từng nhẩm tính, với hơn 8 triệu lượt người/ngày (từ 5 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau), nghĩa là trong 20 giờ chuyển động liên tục, metro có thể chở được toàn bộ số dân của Hungary, hơn 2 lần số dân nội ngoại thành của TP Hồ Chí Minh hoặc gần 1,5 lần số dân Thụy Sĩ. Thử hình dung 8 triệu lượt người ấy mà tràn lên mặt đất, liệu có phương tiện nào kham nổi và thành phố sẽ ùn tắc ra sao?!
Những kiến trúc sư, họa sĩ tài hoa của nước Nga đã để lại cho hậu thế những kiệt tác kiến trúc. Từ tường trần, vòm cột đến các bức họa khổng lồ, các pho tượng điêu khắc... từ đá hoa cương, cẩm thạch, sứ màu, đồng đỏ đến các ô kính, chùm đèn, hoa văn họa tiết đủ sắc màu khiến các nhà ga rực rỡ như lâu đài đình các, những bảo tàng nghệ thuật đích thực chứ không phải công trình giao thông công cộng.
Một tuyến tàu điện ngầm mới đang tiếp tục được xây dựng
Nhiều công trình nhà ga đã trở thành di sản văn hóa đắt giá được Nhà nước Nga bảo tồn. Mỗi sân ga một phong cách riêng biệt. Ga “Quảng trường Cách mạng” giống như một bảo tàng điêu khắc, với 76 bức tượng bằng đồng lớn hơn người thật thể hiện hình tượng những chiến sĩ cách mạng: công nhân, nông dân, thủy thủ, chiến sĩ Hồng quân. Nhiều người tới xoa mũi tượng con chó ngồi bên chân chiến sĩ biên phòng tới mức nó luôn sáng bóng lên, họ hy vọng vào điều may mắn mà chú chó này đem lại. Nhà ga Bê-la-rút-xcai-a, xây dựng năm 1952, có trần ga là nơi đầu tiên được trang trí bằng đá hoa cương và các bức bích họa trên tường.
Đoàn tàu retro, tái tạo chính xác các toa tàu điện ngầm đầu tiên vào năm 1935 và đoàn tàu được trang trí bằng bản sao tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng Nga thế kỷ XVIII-XIX trên sân ga Crô-pốt-kin-xcai-a cũng được giữ gìn đến hôm nay. Điều đặc biệt thú vị là những đoàn tàu - bảo tàng chạy theo những lịch trình riêng, ví dụ như đoàn tàu “quân sự” Vòng cung Cuốc-xcơ kể về một trong những trận đánh lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ II; đoàn tàu “Mát-xcơ-va đọc sách” với nhiều trích đoạn từ các tác phẩm văn học thế giới nổi tiếng được bài trí khắp toa xe; đoàn tàu “Màu nước”, chạy theo tuyến metro có màu xanh nước biển đậm....
Ga "Quảng trường Cách mạng"
Nhu cầu có thêm các tuyến metro mới, các ga metro mới ngày càng tăng khiến Mát-xcơ-va buộc phải thay đổi cách tiếp cận cả về kiểu dáng kiến trúc của ga metro. Họ đã xây dựng thêm những nhà ga mới như Michino theo phong cách hiện đại nhưng vẫn bảo đảm ở mức tầm cao nghệ thuật. Được biết, từ nay đến năm 2020, chính quyền thủ đô Nga sẽ xây dựng thêm tuyến tàu điện ngầm dài 150km gồm 70 ga, trong đó có tuyến vòng tròn thứ hai dài 42km, nâng tổng chiều dài metro Mát-xcơ-va lên 451km với 252 ga. Năm 2012, chính quyền thủ đô đã quyết định chi hơn 100 tỉ rúp (khoảng 3,4 tỉ USD) để phát triển hệ thống metro, số tiền gần gấp đôi so với năm 2011. Việc tiêu chuẩn hóa thiết kế các ga metro mới do các chuyên gia giỏi nhất của liên minh các họa sĩ nghệ thuật và các hiệp hội ngành nghề sáng tạo của Nga thực hiện.
Mấy năm qua, các ga metro mới được xây dựng như, Vô-lô-cô-lam-xcai-a cũng không hề kém cạnh về kiểu dáng và công nghệ so với các ga được xây dựng trước đó vài năm. Trong 20 năm qua Mát-xcơ-va đã phục hồi lại truyền thống kiểu dáng kiến trúc nghệ thuật các ga metro đã có từ khi ra đời metro Mát-xcơ-va và đồng thời ứng dụng các thành tựu của kiến trúc hiện đại, của công nghệ và vật liệu mới, điển hình là nhà ga thứ 186, Nô-vô-cô-si-nô, nhà ga mới nhất trên hệ thống vừa mới được khánh thành ngày 31/8/2012, trở thành trạm cuối trên tuyến Ka-li-nin-xcai-a.
Tất cả những du khách đến Mát-xcơ-va đều không thể bỏ qua cơ hội tham quan hệ thống tàu điện ngầm và chụp vài kiểu ảnh lưu niệm. Truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của nước Nga luôn được người dân gìn giữ, tôn vinh và phát huy ở mọi phương diện của cuộc sống. Một điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
Nguyễn Tiến Dũng (Petrotimes)
Theo baoxaydung.com.vn