Thứ tư 24/04/2024 15:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cục Hạ tầng kỹ thuật: Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại

13:21 | 22/01/2023

(Xây dựng) – Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng và sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, năm 2022, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Trước thềm năm mới 2023, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) dành cho phóng viên Báo Xây dựng cuộc phỏng vấn về kết quả đạt được trong năm qua và mục tiêu, giải pháp mà Cục Hạ tầng Kỹ thuật quyết tâm thực hiện trong năm tới.

Cục Hạ tầng kỹ thuật: Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Là năm của khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật được đảm bảo với kết quả tích cực; xin ông chia sẻ về thành tích nổi bật mà Cục Hạ tầng kỹ thuật đạt được trong năm 2022?

- Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Cục xác định công tác xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ xuyên suốt và quan trọng hàng đầu.

Trong năm 2022, Cục đã tham mưu trình Bộ để Bộ trình Chính phủ Báo cáo số 119/BC-BXD ngày 30/9/2022 về nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh cấp, thoát nước; và Báo cáo số 120/BC-BXD ngày 30/9/2022 về kết quả nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước trước 01/11/2023 và Đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm vào năm 2025.

Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và trình Bộ để Bộ trình Chính phủ tại Tờ trình số 38/TTr-BXD ngày 25/10/2022.

Phối hợp xây dựng Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2021 - 2025; định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và KCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Hướng dẫn UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre triển khai dự án Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống ống truyền tải nhằm tổ chức thực hiện đồ án điều chỉnh cục bộ cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo đảm an toàn cấp nước cho người dân.

Công tác hợp tác quốc tế đạt kết quả tích cực. Cục đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như JICA, GIZ, ADB và HealthBride Canada tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, chống ngập úng đô thị, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và phát triển không gian xanh đô thị.

Một số chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật cơ bản đạt kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2% (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021); Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn 16,5% (giảm 0,7% so với năm 2021); Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 15%.

Cục Hạ tầng kỹ thuật: Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Ông Tạ Quang Vinh

Thời gian tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật định hướng hoạt động ra sao, thưa ông?

- Cục Hạ tầng kỹ thuật xác định công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2023. Cụ thể:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước và báo cáo Chính phủ trước ngày 01/11/2023. Đồng thời, tiếp thu, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Nghiên cứu quy định về không gian ngầm xây dựng đô thị, đưa vào Luật Quản lý phát triển đô thị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị.

Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu ngập úng đô thị; điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam; Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu xây dựng Quy chuẩn thay thế QCVN 07:2016/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tiếp tục triển khai Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn; Điều chỉnh định hướng cấp nước, thoát nước đô thị và KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Đôn đốc các thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật để tạo cơ sở thu hút đầu tư, quản lý. Đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị lớn để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị. Tăng cường rà soát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Vậy theo ông cần giải pháp thực hiện ra sao?

- Thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, cụ thể như sau:

Về hoàn thiện chính sách, pháp luật, khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị: Nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước; Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị.

Rà soát các định hướng, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, xác định chỉ tiêu phù hợp với thực trạng và tiềm năng phát triển của từng lĩnh vực. Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Xây dựng cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt là việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tạo ra từ quá trình phát triển đô thị như giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng...

Về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: Xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của đô thị. Gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị, giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng có liên quan.

Tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; lấy ngân sách là hạt nhân, tạo sức hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn). Đồng thời, sử dụng nguồn lực tạo ra từ quá trình phát triển đô thị để quay lại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, cấp bách, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá. Ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị. Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị.

Nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Hòa (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load