Thứ bảy 14/09/2024 08:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cửa Đại: Nguy cơ tan hoang vùng biển đẹp

15:14 | 11/04/2016

(Xây dựng) - Hiện tượng xâm thực đang diễn ra trên nhiều bờ biển của cả nước khiến hàng chục km bờ biển bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và khai thác du lịch. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm cứu bờ biển, nhưng đây là công cuộc cần đầu tư tốn kém, lâu dài và khoa học, rất cần sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, chính quyền và nhân dân.


Đóng hàng rào cọc tre chắn sóng dữ ở Cửa Đại.

Sạt lở nghiêm trọng

Biển Cửa Đại – một trong những bãi biển đẹp của nước ta đang bị sạt lở hết sức nghiêm trọng. Tình hình sạt lở bờ biển này đã dần tiến lên khu vực phía Bắc. Khu vực sạt lở hiện nay chỉ cách tuyến đường giao thông nối phố cổ Hội An hơn 200m và tiến rất gần đến các nhà hàng, khách sạn của người dân. Đã có nhiều khu du lịch ven biển này được đầu tư với kinh phí hàng trăm tỉ đồng phải bỏ hoang.

Chứng kiến bãi biển tan hoang vì sạt lở, người dân thì đứng ngồi không yên do bị ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế hàng ngày, còn du khách thì cảm thấy tiếc nuối vì Hội An đang mất dần một bờ biển đẹp, yên bình.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt dự án xây dựng kè chống xâm thực bờ biển ở Cửa Đại giai đoạn 2 và giao TP Hội An làm chủ đầu tư.  Bờ kè làm theo kiểu kè cứng, lát mái bằng cấu kiện bêtông, móng bằng 2 hàng ống bêtông cốt thép.

Trước đó năm 2011, trong giai đoạn 1 của dự án, hơn 850 m bờ kè đã được xây dựng với tổng đầu tư 70 tỷ đồng. Đến năm 2014, tình trạng xâm thực diễn biến mạnh, tỉnh Quảng Nam tiếp tục chi 25 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp tại khu vực bãi tắm công cộng Cửa Đại bằng biện pháp đóng cọc cừ Larsen dọc bờ biển dài 400m, kết hợp thi công bằng bao cát. Tuy nhiên, những dự án này dường như không mấy hiệu quả.


Chính quyền địa phương phải dùng cả bao cát, vải địa kỹ thuật để hạn chế sạt lở.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đang chờ Chính phủ đồng ý hỗ trợ 40 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 1,3km bờ biển ở vị trí khác. Dự án kè này áp dụng kinh nghiệm của Hà Lan với hình thức làm đê chắn để phá sóng và tạo bãi biển với tổng kinh phí 55 tỷ đồng.

Không chỉ riêng biển Cửa Đại, mà các tỉnh khu vực miền Trung đang đối diện với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Theo Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT, chỉ trong vòng 2 năm qua, dọc 865km bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên đã xảy ra 164 đoạn sạt lở nặng với tổng chiều dài hơn 170km. Đáng chú ý, bờ biển Hội An là khu vực nóng bỏng nhất với 200m bờ bị biển ăn sâu vào đất liền trong vòng 10 năm qua.

Hiện tượng xói không chỉ xuất hiện trong điều kiện gió bão nữa mà nó còn diễn ra ngay cả trong thời tiết bình thường.

Cần biện pháp chống sạt lở khoa học, hiệu quả

Trên thực tế, để đối phó với tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng, hầu hết các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung chủ yếu áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là giải pháp có suất đầu tư cao nhưng chưa thực sự bền vững, không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường và trả lại không gian cho biển. Do vậy, cần có giải pháp cấp bách hạn chế tình trạng sạt lở và giải pháp dài hơi bảo vệ, khôi phục một phần các khu vực sạt lở bờ biển miền Trung.


Hệ thống cọc tre chắn sóng trên bờ biển Cửa Đại.

Hiện nay, chính quyền TP Hội An và các doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển như bao tải cát, kè cứng mái nghiêng, kè cứng tường đứng và đê giảm sóng, nuôi bãi. Trong đó, giải pháp kè cứng mái nghiêng và giải pháp đê giảm sóng, nuôi bãi thực hiện tại khu nghỉ dưỡng Victoria tỏ ra khá hiệu quả. 

Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà khoa học cho rằng, những địa phương ven biển miền Trung phải xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển; rà soát quy hoạch hệ thống quan trắc, theo dõi biến động bùn cát, thủy hải văn; đồng thời tổng kết các giải pháp bảo vệ bờ, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển... thích ứng với biến đổi khí hậu.


Hiện tượng xâm thực tiến sát nhà hàng ven biển.

Sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân miền Trung. Cách thức mà con người phát triển như hiện nay là không bền vững khi sự đầu tư chỉ mang tính đơn ngành, cục bộ. Con người cần phải dựa vào thiên nhiên một cách có hệ thống để phát triển tránh những hệ lụy không đáng có.

Gia Bảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load