Công trình dưới lòng đất của cụ ông 86 tuổi khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cách thực hiện và mục đích ẩn chứa phía sau.
Cụ ông Bruce Beach (86 tuổi) từng sống tại Chicago, Mỹ nhiều năm trước khi chuyển đến khu vực nông thôn ở Horning's Mills, tỉnh Ontario, Canada vào năm 1970. Ông nảy ra ý tưởng xây dựng căn hầm vào thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh, khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy khuyến cáo người dân dự trữ thực phẩm đóng hộp và tạo ra các hầm trú ẩn để tự bảo vệ trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.
Từ năm 1980 đến 1985, ông Bruce đã bỏ tiền ra mua tổng cộng 42 chiếc xe buýt cũ và vận chuyển chúng đến gần ngôi nhà mà vợ chồng ông sống. Toàn bộ xe buýt được ông phủ bê tông dày 0,6m rồi chôn dưới nhiều lớp đất. Ông gọi dự án của mình là Ark Two.
Giá mỗi chiếc xe buýt mà ông Bruce bỏ tiền ra mua là 300 USD. Hiện cả công trình ước tính có giá lên đến 1 triệu USD.
Ark Two có diện tích khoảng 930m2, là một trong những hầm trú ẩn hạt nhân lớn nhất khu vực Bắc Mỹ với sức chứa 500 người.
Ông Bruce khẳng định hầm trú này "hầu như không thể xuyên thủng bởi bất cứ thứ gì, trừ khi là một cuộc tấn công hạt nhân trực tiếp" và "có đầy đủ tiện nghi như ở nhà". Cư dân có thể sinh hoạt trong hầm tối đa 3 tuần mà không phải ra ngoài - đủ thời gian để bụi phóng xạ hạt nhân phân rã đến mức an toàn.
Cụ thể, căn hầm được thiết kế với hơn 50 phòng, bao gồm 2 bếp ăn tập thể, 1 phòng khách, phòng học cho trẻ em và nhà tắm được trang bị hệ thống nước. Về nước uống, căn hầm sử dụng nguồn nước từ một cái giếng riêng để đảm bảo vệ sinh, máy phát điện chạy bằng dầu có thể hoạt động tốt trong 3 tháng và đài liên lạc vô tuyến điện tử để thông tin có thể được truyền đi khắp Canada và Mỹ.
Ark Two còn được trang bị phòng khử nhiễm, căn phòng đầu tiên mà bất kỳ người nào cũng phải đi qua trước khi họ bước vào hầm trú. Tác dụng của căn hầm là loại bỏ sự lây lan của bệnh tật và bức xạ. Đặc biệt, căn hầm còn có phòng chứa vũ khí, cơ sở y tế, nhà xác, nhà nguyện, khu tập thể thao, thư viện, phòng giặt là, hiệu thuốc và thậm chí cả phòng khám nha khoa.
Cụ ông thừa nhận phần lớn mọi người, gồm cả người dân và giới chức đều xem hành động của ông là điên rồ. "Mọi người nghĩ 'đúng là một kẻ khùng' và tôi biết điều đó nhưng tôi không quan tâm. Tôi hiểu thế giới đang nhìn tôi theo cách đó", ông nói.
Sau nhiều năm vất vả xin giấy phép xây dựng nhưng không thành, ông Bruce trở nên nản chí và thi công căn hầm bất chấp sự ngăn cấm từ chính quyền địa phương. Điều này khiến ông bị tòa triệu tập không dưới 30 lần và tốn hàng nghìn USD chi phí kiện tụng.
Từ năm 2000, giới chức đã nhiều lần dọa phong tỏa hầm trú do lo ngại về an toàn. Họ đã hai lần niêm phong lối vào hầm nhưng ông vẫn tiếp tục mở cửa công trình. Trong cuộc gặp thường niên của Mạng lưới sinh tồn Ontario Prepper năm 2015, lính cứu hỏa của thị trấn Shelburne lân cận đã đe dọa phong tỏa hầm trú lần thứ ba nhưng may mắn điều đó không xảy ra.
Ông Bruce tin rằng dự án này là một sứ mệnh vì cộng đồng, giúp con người tái thiết xã hội phòng trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Thậm chí, nó còn có thể hoạt động như một trại trẻ mồ côi dưới lòng đất, một cơ sở phân phối dịch vụ cấp cứu hay nơi ở cho người tị nạn.
"Tôi thường được hỏi tại sao không tận hưởng cuộc sống và ngừng lo lắng về ngày tận thế. Câu trả lời là mục đích của cuộc sống hay hạnh phúc đối với tôi không được đo đếm bằng số vòng golf tôi chơi mà là phục vụ mọi người", ông chia sẻ.
Theo Thảo Lê (The Sun, Inhabitat)/Dantri.com.vn