(Xây dựng) - Khi mà nền giáo dục đại học hiện đại đang coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu là chính thì một bộ phận không nhỏ sinh viên Việt Nam vẫn duy trì phương pháp học tập sai lầm theo lối cũ: trì trệ và lười nhác.
Nhiều người trẻ Việt Nam đang dùng thời gian rảnh rỗi của họ để làm những việc vô bổ - Ảnh: internet.
Theo Bản tin thị trường lao động quý II/2015 được Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố ngày 30/10/2015, ghi nhận tỉ lệ cử nhân thất nghiệp đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, nhóm có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất từ 3,9% lên 4,6%, tức là tăng từ 178.000 người lên gần 200.000.
Đây rõ ràng là một con số đáng báo động khi mà hàng năm, ¾ số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào đại học khiến số cử nhân thất nghiệp còn có dấu hiệu tăng hơn nữa. Bỏ qua những hạn chế về cách thức giáo dục đại học ở Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần trước đây, phải chăng nguyên nhân không nhỏ của vấn đề nhức nhối lâu nay xuất phát từ chính sinh viên - những người đã và đang tự chọn cho mình con đường ngắn nhất để có được tương lai tươi sáng?
Theo các nhà chuyên môn, sai lầm đến từ ngay suy nghĩ lựa chọn giảng đường đại học thay vì theo học nghề của phần lớn những học sinh mới tốt nghiệp phổ thông. Điều này không hề phù hợp với tình hình đất nước ta hiện nay. Bởi lẽ, số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này. Như vậy, cần phân luồng ngay từ trong khi tuyển sinh: chỉ cần khoảng 40% vào giáo dục đại học, còn 60% vào giáo dục nghề nghiệp để nguồn lực được phân bố đều tránh tình trạng nơi thừa chỗ thiếu.
Cũng theo các chuyên gia, lên lớp nhiều nhưng khả năng tự học, tự tìm hiểu kém và lười đào sâu, tư duy… đã khiến sinh viên Việt Nam ngày càng xa rời với thực tế và thường có xu hướng bám vào mớ lý thuyết suông trong các giáo trình thu góp được trên mỗi giảng đường. Nhiều người hẳn sẽ đổ lỗi cho việc sinh viên Việt Nam có quá ít không gian để có thể tự học và nghiên cứu một vấn đề gì đó, mà cụ thể ở đây là thư viện ở trường. Điều này liệu có đúng?
Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng diễn ra vào tháng 8/2014, nghiên cứu cho biết: Trung bình cứ 21,2 sinh viên mới có 1 chỗ ngồi, diện tích phòng đọc thư viện bình quân là 0,05m2/1 sinh viên. Có thể những con số trên nói đúng phần nào về nguyên nhân khiến cho sinh viên đại học ít có cơ hội tự học, tự đào sâu hơn bởi những hạn chế về cơ sở vật chất.
Nhưng thử lật lại vấn đề, liệu sinh viên có tha thiết với việc đọc sách, lên thư viện để học tập và nghiên cứu hay không? Theo khảo sát 100 sinh viên của Trường ĐH Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội thì chỉ có khoảng 30% sinh viên tiếp cận thông tin từ sách, số còn lại chủ yếu sử dụng mạng internet. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có khoảng 25% sinh viên thường xuyên đọc sách. Tuy nhiên, thời lượng dành cho việc đọc sách chỉ chiếm khoảng từ 10-15% thời gian học tập của sinh viên.
Thư viện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khang trang nhưng chẳng có mấy sinh viên đến học tập - Ảnh: internet
Chứng tỏ rằng, sinh viên hiện nay rất ít đọc sách, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không biết đến khái niệm đọc sách là gì. Một bộ phận lớn sinh viên hiện nay đọc sách rất thụ động, nghĩa là họ chỉ đọc khi có yêu cầu của giảng viên để thuyết trình, làm bài tập nhóm, thảo luận, kiểm tra... hoặc đọc theo kiểu phong trào, nói chung là để đối phó và phục vụ cho việc học một cách tức thời, họ chưa xem đọc sách như là công việc chính của việc học tập theo hệ tín chỉ như hiện nay.
Nhìn sang Mỹ, tuy thời gian lên lớp không nhiều, nhưng sinh viên bên họ vẫn nỗ lực cực cao bởi lẽ, mỗi người đã có sẵn tinh thần tự giác học tập từ trước. Điều này được thể hiện qua việc tự học và tự nghiên cứu. Ngoài giờ lên lớp, sinh viên thường phải hoàn thành một số lượng lớn các bài tập về nhà (problem sets), bài đọc (reading assignment), bài viết (papers). Chuyện vào thư viện, lên internet tìm hiểu thông tin để viết bài, đọc những tài liệu tham khảo khá dài là chuyện "như cơm bữa". Thư viện ở nhiều trường đại học lớn còn mở cửa 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu học của sinh viên.
Không chỉ có những giờ lên lớp căng thẳng, sinh viên ở các trường đại học Mỹ còn chủ động tham gia vào rất nhiều các câu lạc bộ, các tổ chức khác nhau, rồi chơi thể thao, hát, chơi nhạc... Các hoạt động này vừa giúp tăng cường thể chất đồng thời cũng có tác dụng phát triển tính năng động, sáng tạo, và nhất là khả năng lãnh đạo (leadership skill)…
Chính sự thiếu hụt về cả khả năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm thực hành ngoài thực tế khiến cho các nhà tuyển dụng đã và đang ngần ngại tiếp nhận những sinh viên mới tốt nghiệp ở các trường đại học Việt Nam. Thay vì trưng ra một bản CV dài dằng dặc những thông tin chung chung thiếu điểm nhấn, tại sao mỗi sinh viên Việt Nam không tự thay đổi cách thức tiếp nhận kiến thức và học tập của mình ngay từ trên giảng đường đại học để tìm ra cho mình một nét chấm phá đó đủ để tạo ra sự khác biệt?
Tiến Đạt
Theo