Thứ năm 12/09/2024 17:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

'Cú ngã ngựa' của tỷ phú từng giàu nhất châu Á

16:03 | 16/03/2021

Từng là người giàu nhất châu Á năm 2015, tỷ phú Vương Kiện Lâm nay chật vật để cứu đế chế bất động sản trước khối nợ khổng lồ.

Theo Bloomberg, thời điểm năm 2016, tỷ phú bất động sản Vương Kiện Lâm từng là người giàu nhất châu Á. Đế chế bất động sản Đại Liên Vạn Đạt của ông trùm Trung Quốc mở rộng liên tục thông qua mua lại hàng loạt dự án bất động sản danh tiếng ở nước ngoài với nguồn tài lực dồi dào.

Tuy nhiên, làm ăn thua lỗ đã khiến tài sản của ông trùm bất động sản mất 32 tỷ USD trong chưa đầy 6 năm - khối tài sản khổng lồ và lớn hơn bất cứ khoản lỗ nào khác của những tài phiệt cùng thời. "Cú ngã ngựa" cũng khiến ông Vương rơi khỏi top 30 những người giàu nhất ở Trung Quốc.

Khối nợ khổng lồ

Tài sản của ông Vương sụt giảm nhanh chóng khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng kiểm soát khi nhắm vào hoạt động mở rộng liên tục. Theo Bloomberg Billionaire Index, tài sản của vị tỷ phú đã giảm từ 46 tỷ USD hồi năm 2015 xuống còn khoảng 14 tỷ USD.

Ở độ tuổi 66, người từng giàu nhất châu Á loay hoay xoay chuyển đế chế bất động sản và cắt giảm khối nợ khổng lồ 362 tỷ nhân dân tệ (56 tỷ USD) của tập đoàn. Luồng ý kiến hoài nghi và e ngại từ các nhà đầu tư trái phiếu càng làm mọi nỗ lực của vị tỷ phú khó khăn hơn.

Trong năm ngoái, nhiều trái phiếu bằng đồng USD của tập đoàn Vạn Đạt thuộc nhóm rớt giá đầu tiên do làn sóng bán tháo của nhà đầu tư. Người mua trái phiếu Vạn Đạt ồ ạt bán ra bởi lo ngại về khả năng thanh toán thấp của tập đoàn. Ông Dan Wang, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết: "Khả năng thanh khoản của tập đoàn là yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư".

cu nga ngua cua ty phu tung giau nhat chau a
Tỷ phú Vương Kiện Lâm. Ảnh: Getty Images.

Nợ của tập đoàn Vạn Đạt liên tục gia tăng bất chấp những hạn chế của chính quyền Trung Quốc đối với việc vay nợ tín dụng. Tính đến tháng 6 năm nay, lượng nợ đã tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2017. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 còn giáng thêm một đòn mạnh vào các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, công viên giải trí, khách sạn và sự kiện thể thao.

Công ty sản xuất phim và điều hành rạp chiếu của Vạn Đạt là Wanda Film Holding cho biết đã lỗ ròng 1 tỷ USD trong năm ngoái. AMC nhiều lần cảnh báo công ty này gần như mất khả năng thanh toán và báo cáo khoản lỗ hàng năm kỷ lục, trong khi doanh thu giảm 77%. Doanh thu và lợi nhuận của Wanda Commercial Management giảm gần 50% trong chín tháng đầu năm 2020.

Ông Vương Kiện Lâm vẫn đang miệt mài với nỗ lực hạ giá một số tài sản đang nắm giữ nhằm huy động vốn. Mới đây, Vạn Đạt đã bán 10% cổ phần tại AMC Entertainment Holdings Inc., chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới.

Loay hoay xoay vòng vốn

Khi Trung Quốc ổn định nền kinh tế sau đại dịch, các cụm rạp và trung tâm thương mại rục rịch mở cửa lại giúp ông Vương Kiện Lâm có cơ hội vực dậy đế chế bất động sản của mình. Hiện, ông Lâm thúc đẩy chiến lược ít sở hữu tài sản (asset-light) để giảm tỷ lệ nợ trong doanh nghiệp.

Với chiến lược này, Vạn Đạt sẽ chi tiêu ít hơn bằng cách cắt giảm mua thêm đất mới. Ông Xiao Guangrui, Chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda Commercial Management - một công ty con của Vạn Đạt và chiếm gần 1/2 doanh thu của tập đoàn - sẽ ngừng mua đất từ năm nay. Bên cạnh đó, công ty sẽ thực hiện cấp phép thương hiệu cho các đối tác thay thế.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Vạn Đạt và các công ty con đã huy động thêm được khoảng 48,2 tỷ NDT trong và ngoài nước vào năm ngoái. Một phần trong số này sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ cũ và trả khoảng 32 tỷ NDT (4,9 tỷ USD) trái phiếu trong nước đến hạn vào năm nay.

Bởi khối nợ khổng lồ, các đơn vị xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới như Fitch Ratings, S&P Global Ratings và Moody’s Investors Service đã xếp hạng Wanda Commercial Management ở cấp độ không đầu tư.

cu nga ngua cua ty phu tung giau nhat chau a
Ông Vương Kiện Lâm từng là người giàu nhất châu Á năm 2015. Ảnh: Getty Images.

Ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital (Hong Kong), nhận xét: "Vạn Đạt không có chiến lược nào thay thế cho mô hình asset-light cả. Các khoản nợ của công ty rất thiếu tính bền vững".

Thậm chí, ngay cả khi các công ty con của Vạn Đạt vượt qua khủng hoảng, tương lai phía trước vẫn còn mờ mịt. Trong một vòng chào bán hồi tháng 9 năm ngoái, đại diện Vạn Đạt cho biết mức độ mắc nợ của tập đoàn có thể gây "ảnh hưởng xấu" đến một số hoạt động kinh doanh. Không gì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ tiếp tục ủng hộ một tập đoàn có khối nợ khổng lồ.

Bên cạnh đó, Vạn Đạt cũng đối mặt với các quy định tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chặt chẽ khi các cơ quan quản lý Trung Quốc đang cách hạn chế rủi ro về tài chính từ những công ty bất động sản đầm đìa nợ.

Bà Chloe He, giám đốc xếp hạng doanh nghiệp tại Fitch, cho biết chiến lược sở hữu ít tài sản sẽ giúp Vạn Đạt tạo ra nguồn thu nhập định kỳ ổn định từ việc cho thuê. Bên cạnh đó, chiến lược cũng sẽ ngăn công ty tiêu pha nhiều vốn và tăng gánh nặng nợ hơn.

"Chiến lược này rất hữu dụng giúp họ xóa giảm nợ trong tương lai, miễn là Vạn Đạt không đầu tư vào thứ gì khác nữa", bà nói.

Theo Bùi Ngọc/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load