(Xây dựng) - Nghe dồn dập trên các phương tiện truyền thông thì đoán ngay rằng, ngành GTVT đang mê mẩn công nghệ thu phí điện tử không dừng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mọi xe có gắn thẻ định danh (Etag) chạy vào làn thu phí sẽ được nhận diện bằng công nghệ laser kích hoạt camera chụp biển số và ăngten phát tín hiệu đọc thẻ Etag. Rào chắn tự động mở để xe qua và tin nhắn trừ tiền gửi về điện thoại đã đăng ký. Đây là công nghệ được đánh giá ưu việt hàng đầu thế giới do Mỹ phát triển và Đài Loan là quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng rất thành công.
Nghe nói, nếu Việt Nam áp dụng sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm do tiết kiệm chi phí kinh tế - xã hội, như nhân công, chi phí xăng dầu, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt... Ngoài ra còn giúp các cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thế thì ai mà chả mê mẩn. Nhưng nhân chuyện này để nhắc một chuyện khác, đó là câu nói của bác học thiên tài Isaac Newton: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn, ấy là bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”.
Nhắc vậy là nghĩ tới cảnh trong đợt xét tuyển đại học “cải cách” đầu tiên của nước nhà trong thời gian vừa qua. Theo GS Võ Tòng Xuân: “Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam. Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ…, mà còn đối với Hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ”.
Hiện đang có nhiều lời an ủi cho sự kiện này, như “cuộc cách mạng nào cũng phải trả giá”, “vẫn còn cơ hội để sửa đổi”, “cần độ lượng với những vấp váp của cuộc cải cách”…
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, quản lý nhà nước về đào tạo và giáo dục là một lĩnh vực khoa học đã hình thành hàng trăm năm nay trên trái đất này. Nhiều mô hình hiện đại và tiên tiến của nhiều nước đã được cuộc sống của loài người chứng kiến và kiểm nghiệm.
Một câu hỏi được đặt ra: Vậy chẳng lẽ Việt Nam ta không học hỏi được gì, và chẳng lẽ lòng kiêu hãnh đã níu chân các nhà cải cách giáo dục của nước nhà không nhận ra, không dám, hoặc không thèm “đứng trên vai những người khổng lồ”?
Và cái giá phải trả cho sự “lọ mọ” tự nghĩ tự làm ấy hiển nhiên là sự kiện “sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng”.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo