(Xây dựng) - Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, cảnh quan làng cổ đã bị phá vỡ, nhiều ngôi nhà cổ “biến mất”. Câu hỏi được đặt ra ai sẽ là người “cứu” Cự Đà trong cơn bão táp phá cũ xây mới hiện nay?
Làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Với rất nhiều ngôi nhà cổ được xây theo lối kiến trúc Pháp có tuổi đời cả trăm năm. Gắn cùng một hệ thống rất nhiều đình chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia. Làng nằm tựa vào bờ sông Nhuệ với kết cấu giao thông theo kiểu xương cá, tất cả những con đường đều hướng ra sông. Một kiểu địa thế rất thuận lợi cho phát triển thông thương buôn bán thời trước “nhất cận thị, nhị cận giang”.
Và với địa thế đó, làng đã có một thời kỳ là một ngả thông thương sầm uất bậc nhất xứ Bắc Kỳ. Các thương gia giàu có nổi tiếng của làng thời đó có thể kể ra như Cự Gioanh, Cự Chân, Cự Phát... cũng chính là những nhà buôn có tiếng ở Hà thành. Làng sớm có những ngôi nhà hai tầng mang nét kiến trúc Pháp vào đầu thế kỷ 20, hài hòa với phong cách nhà truyền thống.
Nhà theo phong cách Tây kết hợp với hoa văn mái xưa.
Làng cổ Cự Đà là niềm tự hào của những người dân sống nơi đây. Khác với làng cổ Đường Lâm, ngôi làng mệnh danh là mảnh đất hai vua, thì Cự Đà lại nổi bật bởi giá trị kiến trúc nghệ thuật và di sản truyền thống. Ở đây, có những ngôi nhà cổ được xếp vào loại hiếm nhất.
Không chỉ có những ngôi nhà thuần Việt, ở Cự Đà vẫn còn một số ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp đặc trưng hoặc pha tạp hai lối kiến trúc phương Tây - phương Đông. Một điểm khá thú vị nữa cho đến giờ nhiều gia đình tại đây vẫn giữ được bảng đánh số nhà từ xưa. Theo các tài liệu ghi chép lại, việc đánh số nhà ở làng bắt đầu thực hiện từ năm 1929, khi ấy Cự Đà mới chỉ có khoảng 300 nóc nhà, nằm dọc trong các xóm. Cách đánh số nhà ở Cự Đà không chỉ nói lên tư duy quản lý làng xóm khoa học, mà còn góp phần khẳng định sự chính thống của từng ngôi nhà, vì ngay từ thời ấy, những ngôi nhà xây dựng trên đất trồng trọt, lấn chiếm, cơi nới đều không được gắn số nhà.
Những ngôi nhà tại đây được đánh số nhà từ năm 1929
Thế những, bên cạnh những giá trị di sản hết sức đẹp đẽ và đáng trân trọng đó thì đây còn là một điểm dân cư sống, là một di sản sống và phát triển từng ngày. Vì thế, quan niệm rằng, bảo tồn là phải giữ khư khư nguyên bản so với trước khi, mặc định sẵn nó phải y nguyên như vậy là không khả thi.
Ví như cái cổng làng Cự Đà. Xưa kia chiếc cổng làng được xây vốn nhỏ và hẹp bởi người nông dân chỉ gồng gánh thóc lúa ngô khoai. Nhưng giờ đây với các phương tiện giao thông như xe công nông, xe ôtô… chuyên chờ hàng hóa chạy vào làng không còn "chui” vừa những chiếc cổng làng nhỏ xinh ấy, nên người đã phải "nới” cho nó rộng thêm ra, hoặc phá hẳn chiếc cổng cũ xây lại chiếc cổng mới to hơn thế. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì thế với những ngôi làng cổ, phải đặt ra vấn đề bảo tồn để cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn. Chứ không phải cứ khư khư giữ lấy những giá trị cổ xưa mà không nghĩ tới cuộc sống của người dân ở đó sinh hoạt bị ảnh hưởng như thế nào.
Chiếc cổng làng cổ xưa quá nhỏ bé so với cuộc sống sinh hoạt hiện đại
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Cự Đà đang lột xác để phát triển, bởi từ khi có tiền đền bù (80% diện tích đất nông nghiệp của Cự Đà đã, đang tiếp tục bị thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển đô thị, kinh tế xã hội). Rất ít người trong làng muốn giữ lại nhà cổ, nhất là những người trẻ tuổi vì những bất tiện trong sinh hoạt mà họ phải trải qua hằng ngày. Chính vì thế mà "cơn lốc đô thị hóa" đã len lỏi đến mọi gia đình.
Theo quan điểm của lãnh đạo xã Cự Khê và những lời chia sẻ từ tâm can của chính người dân Cự Đà thì bây giờ thuyết phục người dân giữ lại nhà cổ cũng khó, vì chính quyền cũng chưa có đủ cơ sở lý lẽ cho dân thấy lợi ích của việc giữ lại. Bởi lẽ Cự Đà chưa được công nhận là di tích, và trong tham tâm một số người dân tại đây rất muốn giữ lại nhà cổ, nhưng "giữ bằng cách nào và với cơ chế, chính sách gì?" thì lại là câu hỏi họ đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời đáp. Thống kê sơ bộ của xã Cự Khê cho thấy, giai đoạn 1945-1975, làng Cự Đà có đến hơn 100 ngôi nhà cổ, niên đại từ 100 đến 130 năm, nhưng đến nay chỉ còn 51 ngôi. Và những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng giờ không còn nữa mà thay vào đó là những con đường được bê tông hóa.
Thiết nghĩ, Bộ văn hóa thể thao và du lịch bỏ ra bao nhiêu tiền của ra xây dưng Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, vậy mà trong khi đang có sẵn một ngôi làng cổ nguyên vẹn hàng trăm năm trước lại để mất đi mà không có biện pháp hay chế tài nào để xử lí. Tuy nhiên, để có những biện pháp hợp lí thì cũng cần tham khảo ý kiến người dân tại đây, để tiến hành bảo tồn giữ lại làng cổ theo cách tốt và phù hợp nhất. Mà không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Bởi điều quý giá ở những ngôi nhà cổ chính là giá trị niên đại của chúng.
Minh Quang
Theo