Tai nạn giao thông được dự báo sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tương đương với HIV/AIDS, tập trung ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Cứ mỗi 30 giây trên thế giới có 1 người chết và 10 người khác bị thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông. Con số này đang tăng dần và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo số ca tử vong vì tai nạn giao thông sẽ đạt gần 2 triệu người/năm vào năm 2030, tăng 1,3 triệu so với hiện nay.
Đặc biệt, WHO nhận định tai nạn giao thông sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tương đương với HIV/AIDS, nhất là ở các nước thu nhập trung bình và thấp.
Biểu đồ chụp lại từ The Economist cho thấy con số tử vong do tai nạn giao thông ở các nước nghèo và thu nhập trung bình được dự báo tăng vọt vào năm 2030 (đường màu nâu). |
Ở các nước này, nhiều người nghèo luôn có xu hướng chuyển từ đi bộ sang đi xe đạp rồi đến xe máy. Ví dụ như ở Thái Lan, khi số người sử dụng xe máy tăng sẽ kéo theo tai nạn giao thông gia tăng. Thống kê cho thấy 2/3 số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông ở Thái Lan là sử dụng xe máy.
Đó là điều không thể tránh khỏi. Trong thế giới đang phát triển, luật pháp và các biện pháp an toàn không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hóa và việc gia tăng sử dụng xe.
Đáng lưu ý nữa là đối tượng bị chết hay bị thương nặng do tai nạn giao thông đa phần là nam giới với độ tuổi từ 15-29, vốn đóng vai trò trụ cột lao động trong các gia đình châu Á. Điều này càng khiến cho các gia đình đã nghèo còn nghèo hơn bởi nguồn thu nhập bị sụt giảm mạnh, chưa kể đến tổn thất về tinh thần, những sang chấn tâm lý đối với người còn lại, thậm chí còn làm gia tăng chi phí vì phải chăm sóc cho người bị nạn.
The Economist dẫn lời một tổ chức từ thiện có tên iRAP tính toán rằng, tình trạng tử vong và thương tích trong giao thông chiếm đến 5% GDP của các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Nếu tổng cộng cả hóa đơn y tế hóa đơn, công chăm sóc, mức sụt giảm thu nhập, thiệt hại về tài sản... do tai nạn giao thông thì mỗi năm cả thế giới mất đến 1.900 tỉ USD.
Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 500 tỉ USD được chi ra để hoàn thiện, nâng cấp các con đường mới với mục đích an sinh xã hội là kết nối các cộng đồng, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho người dân, tăng việc làm, phát triển đô thị.
Nhưng đại diện của Ngân hàng Thế giới nói trên The Economist rằng không phải con đường nào cũng an toàn đối với người đi bộ, đi xe máy, xe đạp.
Vì thế, đi kèm với việc mở mang đường sá, các nhà chức trách cũng cần phải thiết kế, xây dựng con đường đó thật an toàn đối với tất cả người dân.
Bởi trong khi người giàu có ngồi trong ô tô, thắt dây an toàn, có hẳn làn đường riêng thì người đi bộ, đi xe máy lại gần như không có gì riêng ngoài chiếc mũ bảo hiểm trên đầu. Mà bấy nhiêu đó là chưa đủ an toàn tính mạng, ngay cả khi họ tuân thủ luật giao thông, không uống rượu bia khi đang lái xe.
Điều này cũng đã phần nào lý giải được tại sao số thương vong do tai nạn giao thông ở các nước giàu có giảm dần (như Thụy Điển giảm đến một nửa kể từ năm 2000), trong khi số thương vong do tai nạn giao thông các nước nghèo lại gia tăng.
Theo motthegioi.vn
Theo