Thứ hai 13/01/2025 03:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Bắc Kạn:

Cty CP Sahabak không thực hiện đúng cam kết môi trường

10:24 | 14/08/2012

Sau khi Báo Xây dựng liên tục có bài viết phản ánh việc không có nơi xử lý chất thải khiến Cty CP Sahabak xả thải khắp khuôn viên của DN trong KCN, đồng thời đổ cả ra khu dân cư… Ngày 06/8/2012, BQL các KCN tỉnh Bắc Kạn đã có Văn bản số 111/BQL-QHMT  phản hồi các nội dung nói trên.


Rác thải tràn ngập khuôn viên Nhà máy chế biến gỗ Sahabak.

Không “quên”, chỉ là quy hoạch sau!

Theo Văn bản số 111/BQL-QHMT gửi BBT Báo Xây dựng, BQL các KCN tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Quy hoạch quản lý chất thải rắn của KCN Thanh Bình nằm trong quy hoạch chất thải rắn của tỉnh Bắc Kạn đã được phê duyệt tại Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 03/11/2011”. Theo đó “chất thải rắn của KCN Thanh Bình được quy hoạch xử lý tại khu xử lý chất thải rắn Yên Đĩnh (xã Yên Đĩnh, H.Chợ Mới) và tại TX Bắc Kạn”.

Như vậy, tỉnh Bắc Kạn không “quên” quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cho KCN. Chỉ có điều nó được quy hoạch chậm sau 3 năm quy hoạch KCN, sau 1 năm Nhà máy sản xuất gỗ thanh của Cty CP Sahabak đi vào sản xuất chính thức, và Nhà máy sắt xốp của Cty Matexim chuẩn bị vận hành!

Và do mới đưa vào quy hoạch nên đến thời điểm tháng 4/2012 các DN hoạt động tại KCN Thanh Bình vẫn “được” BQL các KCN Bắc Kạn nhắc nhở: “Phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, bố trí địa điểm tạm lưu giữ và trung chuyển chất thải rắn trong phạm vi cơ sở của mình. Không được đổ rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng nơi quy định”; đồng thời “có hợp đồng và thực hiện đúng hợp đồng với cơ sở tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại” (CV số 49/BQL-QHMT ngày 23/4/2012 của BQL các KCN Bắc Kạn).

Về phương án cấp nước cho các nhà máy trong KCN: Theo BQL các KCN Bắc Kạn, “hiện nay Cty TNHH Phúc Lộc đang triển khai thực hiện dự án theo chủ trương của UBND tỉnh tại Văn bản số 526/UBND-XDCB ngày 16/3/2012”. Như vậy, điều ghi nhận của Báo “là đến thời điểm này (đầu tháng 7/2012), phương án cấp nước cho các nhà máy hoạt động trong KCN vẫn đang nằm trên giấy khiến trạm xử lý nước thải (công suất 2.500m3/ngđ đã được xây dựng tiêu tốn gần 30 tỷ đồng) “có cũng như không”, nguy cơ nhiều tỷ đồng của Nhà nước trở nên lãng phí là hoàn toàn chính xác, bởi dù đã được quy hoạch hay có chủ trương thì thực tế vẫn chưa có. Và như vậy, chất thải (cả rắn và lỏng) tại KCN Thanh Bình vẫn chưa được xử lý dù đã có nhà máy hoạt động hơn 1 năm nay. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước là rất rõ ràng!

Biện hộ vô lý

Sau khi Báo Xây dựng phản ánh về việc xả thải bừa bãi tại khuôn viên Cty CP Sahabak không lâu, tại khu dân cư bản Cốc Pò, xã Thanh Bình (địa điểm đối diện Trường THCS và không xa UBND xã Thanh Bình) đã xuất hiện nhiều đống mùn cưa, vỏ cây, bìa bắp - những sản phẩm thải của Nhà máy chế biến gỗ Sahabak.

Biện hộ cho việc đổ rác vào khu dân cư, tại Văn bản số 301/CV-SHB ngày 30/7/2012 Cty CP Sahabak cho rằng đó “là lượng phế liệu của Nhà máy được bà Lê Thị Thúy Hạnh xin Cty vận chuyển về dùng làm chất đốt (tận dụng vỏ cây, bìa gỗ) và bón vườn (mùn cưa)”.

Trong bản tường trình, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình xác nhận bà Hạnh đang “tạm trú tại nhà Lục Thị Thu” ở bản Cốc Pò, xã Thanh Bình. Bà Lục Thị Thu cũng khẳng định “Bà Hạnh ở trọ tại nhà tôi và đổ phế liệu trong vườn gia đình tôi là đúng sự thật”. Điều khiến nhiều người dễ nhận ra sự bất hợp lý là bà Lê Thị Thúy Hạnh có hộ khẩu thường trú tại Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Không lẽ một phụ nữ ở trọ nhà người khác lại cần tới “vài chục mét khối” củi để dùng làm chất đốt. Và không lẽ người ở trọ lại có lòng tốt đến mức “xin mùn cưa” về “cải tạo vườn chuối cho cả chủ nhà trọ lẫn hàng xóm của chủ nhà trọ”!?

Theo người dân địa phương, thực tế không có nhiều người dân xung quanh KCN có nhu cầu về chất đốt cũng được Cty Sahabak “giải quyết cho” dễ dàng như thế.

Không thực hiện đúng cam kết

Tại Bản Cam kết bảo vệ môi trường dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Sahabak Thanh Bình, ông Lê Viết Thắng - Tổng giám đốc ký, và cam kết: “Xử lý các chất thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường…và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam”.

Chất thải rắn của DN được Cty xác định “chủ yếu là mùn cưa từ các máy và vỏ cây, sẽ được tập trung vào các silo chứa và sau đó sử dụng làm chất đốt”. Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực chất thải rắn cũng được Cty CP Sahabak xử lý: “Chất rắn sản xuất được tận dụng làm nguyên liệu cho nồi hơi trong quá trình bảo quản” tuyệt nhiên không đề cập đến việc “giải quyết cho người dân trong khu vực để làm chất đốt”.

Thế nhưng, việc tồn tại đống rác thải rắn gồm mùn cưa, vỏ cây, bìa bắp trong khuôn viên Nhà máy chế biến gỗ Sahabak tại KCN Thanh Bình hơn một năm nay là có thật; Không những vậy, rác thải rắn gồm mùn cưa, vỏ cây, bìa bắp còn được Cty đưa ra ngoài “giải quyết cho một số người dân trong khu vực”, (tính riêng người phụ nữ từ Hà Nội lên ở trọ “xin” Cty cũng đã cho tới “vài chục mét khối”!?). Như vậy có thể thấy: Lượng chất thải rắn đã không được Cty CP Sahabak xử lý đúng theo Bản Cam kết bảo vệ môi trường đăng ký với BQL các KCN tỉnh Bắc Kạn ký tháng 12/2009! Lạ là điều này cả BQL các KCN tỉnh Bắc Kạn cũng như các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn cũng làm như không biết!?

Ông Phùng Văn Dũng - Phó trưởng ban BQL các KCN Bắc Kạn từng thừa nhận: Theo tính toán, tổng lượng chất thải rắn phát sinh của KCN Thanh Bình khoảng 20 tấn/ngđ. Lượng chất thải này nếu không được xử lý sẽ dẫn tới gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khi KCN Thanh Bình lại nằm ở đầu nguồn của sông Cầu.

Đến đây, có lẽ chúng tôi cũng không cần phải có thêm phân tích và bình luận thêm bạn đọc cũng đủ nhận định về những việc làm tắc trách trong việc đảm bảo môi trường của Cty CP Sahabak và BQL các KCN tỉnh Bắc Kạn thời gian qua.

Thái Nguyên Nhân

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load