Hai ngân hàng lớn hàng đầu thế giới là Credit Suisse và HSBC ngày 5/4 đã bác cáo buộc sử dụng các công ty bình phong ở nước ngoài để giúp khách hàng gian lận thuế.
Thành phố Panama City, nơi đặt trụ sở của Công ty luật Mossack Fonseca. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những động thái trên của Credit Suisse và HSBC đưa ra chỉ một ngày sau khi các tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, gây chấn động thế giới hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Credit Suisse,Tidjane Thiam khẳng định Credit Suisse luôn hoạt động theo đúng quy định của luật pháp và tập đoàn này không bao giờ lập ra các công ty bình phong ở nước ngoài để giúp khách hàng trốn thuế.
Trong khi đó, HSBC lại cho rằng tài liệu rò rỉ này có thể đã xảy ra trước khi ngân hàng này tiến hành cuộc cải cách mô hình kinh doanh.
Theo HSBC, đây là những cáo buộc mang tính "lịch sử" vì có một vài trường hợp đã xảy ra trước đó 20 năm, trong khi ngân hàng này đã hoạt động theo mô hình mới, có tính minh bạch hơn, trong vài năm trở lại đây.
Theo các tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca, HSBC và Credit Suisse là hai trong số nhiều ngân hàng thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài, gây phức tạp và khó khăn cho người thu thế và các nhà điều tra về các dòng tiền luân chuyển.
Trước đó, ngày 4/4, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cũng đã phủ nhận có bất kỳ hoạt động sai phạm nào sau khi bị phát hiện có tên trong "Hồ sơ Panama". Tuyên bố của RBC khẳng định luôn áp dụng các "tiêu chuẩn cao" nhằm đảm bảo rằng không một công ty nước ngoài nào có thể sử dụng tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế ở Canada hay bất kỳ đâu.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.
Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama", ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).
Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Theo Vietnamplus.vn
Theo