Thứ ba 16/04/2024 14:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Covid-19 cùng “bão giá” khiến doanh nghiệp ngành Xây dựng lao đao

16:04 | 10/06/2021

(Xây dựng) - Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, cùng sự biến động của thị trường vật liệu xây dựng, khiến nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì lỗ nặng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Trước tình thế đó, Bộ Xây dựng đã kịp thời có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp ngành Xây dựng.

covid 19 cung bao gia khien doanh nghiep nganh xay dung lao dao
Giá thép tăng cao bất thường gây ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số tỉnh thành đã phải thực hiện biện pháp cao nhất là giãn cách xã hội như Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng vào thời gian này, giá một số vật liệu xây dựng tiếp tục có xu hướng tăng, nhất là giá thép có sự tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến thị trường ngành Xây dựng trên cả nước. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng đang bị ảnh hưởng nặng nề mà nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, thị trường ngành Xây dựng đang phải gánh chịu 2 cơn siêu bão.

Hầu hết các doanh nghiệp ngành Xây dựng bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến - Nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Thép và vật tư xây dựng, nhà phân phối các sản phẩm thép xây dựng thì hiện nay giá cả ngành Thép “leo thang” chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu sản xuất khan hiếm, tăng giá, phôi được nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Úc. Bên cạnh đó, do dịch bệnh nên các nhà máy sản xuất cầm chừng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, giá cả tăng cao thất thường, thay đổi liên tục.

Ông Đỗ Minh Túc – Phó Tổng Giám đốc 1 dự án bất động sản tại Hà Giang, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Đầu tư dự án bất động sản, xây dựng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Thị trường xây dựng hiện nay đã khó lại thêm khó do phải oằn mình chống chọi với 2 “cơn bão”, một là ảnh hưởng của Covid–19, hai là “cơn bão giá” nguyên vật liệu. Cả 2 “cơn bão” này đều mang đến sức tàn phá khủng khiếp, phức tạp và khó lường khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đều bị ảnh hưởng. Bởi vì, khi anh vừa phải căng mình ra chống dịch, cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ làm, giảm chi phí, lượng công trình mới bị giảm do chủ đầu tư “nằm im” nghe ngóng từ đó dẫn đến doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Khi doanh số đã giảm, lợi nhuận đương nhiên cũng giảm thậm chí phải bù lỗ vì ở nhiều giai đoạn vẫn phải nuôi quân cán và rất nhiều chi phí khác nhưng công nhân thì nằm chơi do dự án không thể thi công.

Khi khó khăn liên quan đến dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt thì với diễn biễn phức tạp, thất thường của giá cả vật liệu ngành Xây dựng gần đây, đặc biệt là giá cả mặt hàng thép liên tục “leo thang” khiến các nhà thầu ngày càng “lao đao”. Theo ông Túc, trong cơ cấu giá thành công trình dân dụng thì chi phí cho thép chiếm tỷ trọng khoảng 10-15% tổng giá thành. Do vậy, nếu giá thép cứ tăng khoảng 10% đồng nghĩa với giá tổng trị công trình sẽ đội vốn thêm khoảng 1%. Nếu chỉ nhìn vào con số 1% trên tổng giá trị công trình thì nhiều người nghĩ không ảnh hưởng quá nhiều, song thực tế lại khác, giá thép tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo, dẫn tới chi phí thực bị đội lên ở mức đáng kể. Đối với nhà thầu chỉ nhận phần thi công thì còn ít ảnh hưởng chứ hợp đồng thầu cố định giá hoặc thầu trọn gói tức là nhận thầu luôn cả phần vật tư thì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, giảm lãi, thậm chí là lỗ nặng. Đặc biệt các dự án lớn có thời gian thi công cả năm trời hoặc kéo dài nhiều năm thì mọi việc sẽ hết sức khó lường.

Trước tình hình đó, các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, nhà máy sản xuất cũng không thoát khỏi sự khó khăn chung của thị trường. Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Hiếu – Quản lý trạm bêtông tươi Phong Cảnh tại huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội cho rằng: Nếu năm 2020 khi dịch bệnh Covid ập đến làm tình hình kinh doanh của trạm khó khăn hơn trước, mức doanh thu sụt giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước thì đến năm 2021 là khoảng thời gian khủng hoảng của đơn vị. Đối với trạm bêtông tươi thương phẩm gần như phụ thuộc vào thị trường nhà dân, vì vậy khi dịch bệnh bùng phát trở lại hồi đầu năm nay, đồng thời giá vật liệu tăng “chóng mặt”, lại khó đoán định nên thị trường bán lẻ nhà dân chững lại, nhiều hộ gia đình tạm dừng xây dựng mới, các công trình, dự án thi công cầm chừng, thêm vào đó công nợ từ các dự án tăng cao, thanh toán chậm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của trạm bêtông.

Nguyên nhân giá thép xây dựng tăng “đột biến” trong thời gian qua

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc giá thép xây dựng tăng cao trong giai đoạn vừa qua có cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan phải kể đến như: Nguyên liệu phục vụ sản xuất thép trong nước như quặng, phôi thép phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong khi giá của các nguyên liệu này trên thế giới đều tăng (cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước, giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn tăng 44% so cùng kỳ năm trước) cộng thêm chi phí vận chuyển, chi phí logistic đều tăng so với giai đoạn trước đây.

covid 19 cung bao gia khien doanh nghiep nganh xay dung lao dao
Nhiều nguyên nhân dẫn tới giá thép tăng “đột biến”.

Kinh tế thế giới đã dần được phục hồi sau dịch bệnh, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nhiều nước tăng trở lại, dẫn đến nhu cầu sử dụng thép xây dựng tăng đột cao. Ví dụ như nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước, từ đó đã tác động không nhỏ đến thị trường thép xây dựng của nước ta.

Mặt khác, chính sách của Trung Quốc (nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới) cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường, tăng cường nhập khẩu cũng có thể được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá thép thế giới tăng cao.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan như: Trong khi sản lượng sản xuất thép xây dựng của nước ta trong thời gian qua có xu hướng tăng và cộng với nguồn thép nhập khẩu nên đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước nhưng do hiện doanh nghiệp găm hàng nên tạo ra tình trạng khan hiếm mà giả.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng phản ứng của cơ quan quản lý Nhà nước đối với diễn biến giá bất thường của thị trường thép xây dựng trong thời gian qua được cho là chưa kịp thời và chưa hữu hiệu như công tác kiểm tra thị trường để hạn chế đầu cơ, bình ổn thị trường thép xây dựng; điều chỉnh chính sách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào; công bố giá theo diễn biến thị trường; đánh giá tác động ảnh hưởng…

Các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng đã quy định các điều kiện để điều chỉnh điều chỉnh giá hợp đồng, kể cả hợp đồng theo hình thức trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định; trong đó quy định nguyên tắc thỏa thuận xử lý trường hợp bất khả kháng, xử lý khi thay đổi chính sách của Nhà nước (Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2015/NĐ-HĐ ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng đã bổ sung quy định được điều chỉnh giá hợp đồng trong trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng) nhưng chưa có quy định cụ thể để nhận diện hiện tượng biến động giá vật liệu một cách “bất thường” và được coi là bất khả kháng để làm cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng.

Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng trong nước chưa có giải pháp kịp thời để điều chỉnh hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với hiện tượng tăng chi phí đầu vào của sản xuất thép nhằm ổn định giá thép cũng như tăng cường sản lượng sản xuất thép.

Bộ Xây dựng kịp thời hướng dẫn các tỉnh gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước tình hình nêu trên, để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Ngày 10/5/2021, Bộ Xây dựng đã có Công văn 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan: Đánh giá tác động của dịch Covid và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng:

Tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng;

Dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam: Tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng (nếu có) và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng hội và các Hiệp hội chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung nêu trên.

Bài: Covid-19 cùng “bão giá” khiến doanh nghiệp ngành Xây dựng lao đao tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load