Thứ sáu 19/04/2024 13:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cột đèn một thuở

15:57 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Những cây cột đèn trong phố bây giờ đồng loạt mang một hình hài giản tiện đến mức chỉ còn như một khái niệm về “cái cột”. Tất cả bằng ống tôn trắng hình bát giác múp nhỏ phần ngọn. Nó đơn giản đến mức không còn ai ý thức về sự có mặt của nó giữa phố phường.

cot den mot thuo
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Người Hà Nội mới chỉ thực sự sử dụng điện lưới kể từ khi nhà máy điện Yên Phụ do người Pháp xây dựng khánh thành vào năm 1932. Cùng với nó là sự ra đời của hệ thống đường dây và cột điện thô mộc nhưng hết sức chú trọng về mặt thẩm mĩ. Có hai loại cột điện chính trên đường phố. Cột sắt rèn và tán đinh ri vê hoàn toàn thủ công của những phường thợ phố Lò Rèn. Những phường thợ vừa được tôi luyện nghề nghiệp và làm quen với kỹ thuật liên kết thép theo phương pháp khoa học sau khi hoàn thành cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.

Cột đèn sắt tán đinh đặt ở các góc phố. Nó chịu tải từ bốn hướng dây điện ở các ngã tư kéo về. Nó cần phải chắc khỏe và chịu lực lớn hơn những cột thông thường. Lại cũng cần phải có một độ thẩm mĩ nhất định khi đứng giữa bàn dân thiên hạ bốn phương. Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ của người Hà Nội trước đây có câu “Đứng đắn như cột đèn đầu đường”. Những cột bê tông trỗ lỗ chữ nhật cho công nhân trèo lên sửa chữa ở tầm cao và có chiếc đế đúc hình trang trí khuôn tranh hai mặt chạy trên hè phố cách nhau một khoảng cách nhất định chừng ba chục mét. Lũ trẻ Hà Nội gọi tên khoảng cách ấy là “một cột đèn” như một đơn vị đo chiều dài. Chạy thi “một cột đèn”. Đá bóng gôn tôm “một cột đèn”. Trốn tìm trong bán kính “một cột đèn”. Gọi là cột đèn bởi ngoài nhiệm vụ đỡ hệ thống dây điện hạ áp sinh hoạt nó còn là chỗ để chăng dây cáp ngang đường mắc vào khoảng giữa một bóng điện tròn chiếu sáng con phố. Cách chiếu sáng chiếu công cộng này đã biến mất khoảng hai chục năm nay.

Khi ngành công nghiệp bê tông đúc sẵn phát triển vào quãng đầu những năm 80 người ta bắt đầu thấy những cột đèn nhẵn nhụi nồng nỗng tròn xuất hiện. Cột đôi ở đầu đường thay cho cột đèn tán đinh. Cột đơn giữa phố cho cột bê tông lỗ vuông đế khuôn tranh. Cột sắt tán đinh trên sáu tuyến xe điện Mơ, Vọng, Cầu Giấy, Hà Đông, Yên Phụ, Bưởi cũng được dỡ bỏ hoàn toàn cuối những năm 80 ấy. Để sau đó chỉ chừng chục năm thôi, người Hà Nội lại bắt đầu nhớ tiếc tiếng xe điện leng keng thuở nào.

Những vườn hoa ven hồ và trong phố ngày trước đã từng có những cột đèn trang trí đúc gang sơn màu xanh tím chạm khắc hoa lá mềm mại lịch sự quý phái. Bỗng một ngày đẹp trời, tất cả được nhổ đi thay bằng những trụ thép rỗng thẳng đuột sơn xanh nõn chuối mắc trên đầu những bóng tròn thủy tinh to tướng. Trông cứ như vài anh đầu to ngớ ngẩn lang thang tìm bò lạc. Nghệ thuật trang trí tối giản này có nguồn gốc từ những lò đào tạo mĩ thuật công nghiệp trong thành phố. Nơi đào tạo ra những họa sĩ thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm. Một tiêu chí không có trong bất cứ mục đích sáng tạo nghệ thuật nào của nhân loại.

Người Hà Nội cũng bắt đầu nhận ra nét xấu xí của những cây cột đèn trong thành phố. Và cũng bắt đầu ra tay dọn dẹp. Quyết liệt hơn bao giờ. Toàn bộ cột điện trong tương lai sẽ được dỡ bỏ hết. Dây điện phải hạ ngầm. Vĩnh viễn thời của cột điện không bao giờ còn quay lại nữa. Chỉ phải nghĩ đến thẩm mĩ của những cột đèn chiếu sáng công cộng thôi. Nghĩ về những điều sắp nghĩ vốn là tư chất của con người sống trên mảnh đất này.

Thế nhưng, nghĩ về cột đèn còn là chuyện quá xa khi mà diện mạo kiến trúc phố phường hầu như mất kiểm soát. Nhà cửa xây dựng mới đã không có một chuẩn mực thẩm mĩ nhất định nào cả. Nghĩa là thiếu vắng hoàn toàn một triết lí thẩm mĩ đô thị. Cột đèn trồng trên phố dù có nghĩ ra muôn hình vạn trạng thì cũng không biết phải cắm vào đâu cho hợp với cảnh quan. Cột đèn bằng tôn trắng hình trụ bát giác của thời kì quá độ suy tư sẽ còn được dùng một thời gian dài nữa…

Đỗ Phấn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load