Cột cờ Hà Nội (kỳ đài Hà Nội) - công trình được xây dựng dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn - đến nay vẫn được coi là chứng nhân lịch sử khi đã trải qua hơn 2 thế kỷ đồng hành cùng những thăng trầm của vùng đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội hiện nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ. Theo sử liệu, Cột cờ Hà Nội được xây dưới thời Vua Gia Long, triều Nguyễn, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, cách Đoan Môn khoảng 300m, cách điện Kính Thiên 500m và cách cửa Bắc chừng gần 1.000m. Cột cờ được khởi công từ năm 1805, đến năm 1812 thì hoàn thành.
Tính từ chân lên đỉnh, Cột cờ cao 41m, chia thành 3 tầng đế và một thân cột. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Cột cờ có 4 cửa. Trừ cửa hướng Bắc, 3 cửa còn lại của Kỳ đài đều được khắc tên riêng. Cửa hướng Đông là "Nghênh húc", cửa hướng Tây là "Hồi quang", còn cửa Nam là "Hướng minh".
Ở cửa hướng Bắc được bố trí 2 cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.
Thân Cột cờ có hình trụ 8 cạnh, cao 18,2m, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Dọc theo chiều cao được bố trí 39 lỗ hình hoa thị và 6 lỗ hình dẻ quạt, mỗi mặt có từ 4 đến 5 lỗ. Nhờ có các lỗ thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng.
Đỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa sổ - tương ứng 8 mặt. Giữa lầu là một trụ tròn, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ. Với kiến trúc cân đối, độc đáo, đã tạo cho Cột cờ những đường nét thẳng, vững vàng và uy nghi. Có thể thấy, Cột cờ là kết tinh của thành quả lao động đầy sáng tạo của nhân dân, là cột mốc đánh dấu sự phát triển của ngành kiến trúc và xây dựng Việt Nam.
Khi được hoàn thành dưới thời nhà Nguyễn, ban đầu Cột cờ có chức năng vọng canh. Từ trên đỉnh Cột cờ, có thể quan sát một vùng khá rộng lớn cả trong và ngoài khu thành cổ theo trục Bắc - Nam. Trong thời Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được người Pháp dùng để làm đài quan sát. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, Cột cờ Hà Nội được sử dụng như một pháo đài kiên cố, đồng thời là nơi phát hỏa pháo chiến đấu.
Nơi đây cũng chứng kiến sự kiện tuẫn tiết của 2 vị Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, đây là nơi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên mảnh đất Hà Nội.
Đến ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Cột cờ Hà Nội là nơi tổ chức Lễ Thượng cờ báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã sử dụng nơi đây làm đài quan sát phòng không, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Ngày 20/01/1989, Cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, trải qua hơn 2 thế kỷ từ khi được xây dựng đến nay, Cột cờ Hà Nội vẫn bề thế, hiên ngang trụ vững, chứng kiến những đổi thay cùng Thủ đô văn hiến. Cột cờ Hà Nội là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc - từ một đất nước thuộc địa đứng lên giành chính quyền, trường kỳ kháng chiến chống lại những đế quốc sừng sỏ, giành độc lập, tự do và từng bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, Cột cờ Hà Nội vẫn được xem như là một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo T.An/Laodongthudo.vn
Theo