(Xây dựng) – Những người gác đèn biển gắn liền với ngọn hải đăng trong đêm vốn thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa. Dù cho công việc âm thầm và nhiều hy sinh như vậy nhưng các anh không muốn dành nhiều lời để nói về mình, bởi như cách nghĩ mộc mạc của các anh – “Công việc của chúng tôi là vậy mà”.
Trạm hải đăng trên đảo Cồn Cỏ.
Đứng từ ngọn hải đăng Cồn Cỏ, thuộc huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị được ngắm nhìn toàn cảnh vùng đảo để thấy hết nét đẹp lung linh và huyền ảo về đêm trên đảo, sự thanh bình, yên ả lúc bình minh vừa ló rạng và chập chùng khi ánh chiều tà bắt đầu lẩn khuất. Những ai ra đảo mà chưa đặt chân lên ngọn hải đăng thì có thể xem như lần ra đảo ấy đã vơi đi một nửa sự thú vị và ý nghĩa của chuyến đi.
Chúng tôi may mắn đến ngọn hải đăng khi bình minh vừa lên cao, được gặp các anh trong trạm trực hải đăng, nghe các anh kể về cuộc sống trên đảo, công việc hằng ngày và cả những nỗi lòng chất chứa nơi quê nhà. Bởi do đặc thù công việc nên hàng tháng trời các anh mới có dịp vào đất liền. Nhưng chẳng biết từ khi nào mà nơi đây đã thấm vào máu thịt, xa đảo lại thấy nhớ.
Mỗi người ra đảo công tác, họ đến từ mỗi vùng quê khác nhau. Nhưng tất cả đều xem nhau như một gia đình. Chế bát nước thơm mùi lá rừng đặc trưng của đảo, anh Quân chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi thường đón các đoàn khách đến thăm hải đăng và ngắm nhìn huyện đảo lắm”.
Anh Trần Văn Quân, 32 tuổi, người đã có 12 năm gắn bó với công việc gác đèn biển và gần 10 năm sống ở đảo, tâm sự với chúng tôi rằng: “Dường như cái duyên ấy đã vịn vào người mất rồi. Mình may mắn lập gia đình với người vợ yêu và hiểu mình. Nhưng những lúc thấy nhớ vợ, nhớ các con lòng lại cồn cào trông ngóng về nơi đất liền”. Giọng anh như nghẹn lại khi nhắc về nỗi nhớ vợ con.
Khi chúng tôi ngồi lắng nghe các anh kể về công việc hằng ngày lại háo hức được tận mắt nhìn thấy ngọn hải đăng và cảm giác đứng từ nơi cao nhất phóng tầm mắt ra xa bao quát trọn cảnh vật nơi đảo trọn vẹn. Bước lên gần 100 nấc cầu thang theo hình xoắn ốc. Trước mắt chúng tôi là biển khơi bao la, từng đoàn thuyền giương cao ngọn quốc kỳ đang ra khơi đánh cá, những rặng cây xanh trước mắt bao trùm chở che lấy đảo. Cảm giác tự hào về sự kỳ vỹ, vẻ đẹp của đảo quê hương dâng trào trong lòng ngực đến khó diễn tả thành lời.
Gió thổi lồng lộng mang theo vị mặn của biển, cho cảm giác người đứng trên ngọn hải đăng khi ấy thật thư thái và bình yên. Từ đó càng tự hào và hiểu hơn cuộc sống của các anh ở đảo, vốn thiếu vắng cái nhịp sống đông đúc náo nhiệt của phố phường nhưng dần dần mãi cũng thành quen. Về đất liền lại thấy nhớ đảo da diết. Một ấm nước lá rừng chế vội bên câu chuyện miên man của các anh. Chúng tôi càng thấy thấm thía trọng trách công việc mà các anh đang đảm nhận.
Các anh kể, vào mùa mưa bão do thời tiết, biển động không có tàu ra vào đất liền nên việc thiếu thức ăn là chuyện thường xuyên nhưng dần cũng quen. Ở đây sự vất vả dường như đã trở thành bình thường nhưng chỉ có niềm khao khát nhớ quê nhà mới là điều các anh nung nấu. Anh Quân cưới vợ cách đây đã gần 10 năm và anh đã có hai con. Tuy nhiên do công việc ít về nhà nên anh càng cảm thấy thương các con nhiều hơn.
Công việc của các anh từ 3 đến 4 giờ chiều, lại đều đặn với công việc lau chùi, vệ sinh, kiểm tra ngọn hải đăng đảm bảo quá trình đèn chiếu sáng khi mặt trời dần tắt. Ngọn hải đăng Cồn Cỏ được đặt ở ngọn đồi có vị trí cao nhất đảo gọi là đồi 63, với chiều cao từ đỉnh đèn cho đến chân cột đèn là 24,5m còn nếu lấy chiều cao từ đỉnh đèn cho đến vị trí 0 hải độ là 76m. Với mức độ phát sáng đạt 22 hải lý.
Vốn là công việc thầm lặng, khi được hỏi các anh chỉ giản dị và khiêm tốn trả lời về nhiệm vụ được giao. Dường như những khó khăn đã trở nên thường nhật và các anh cũng lặng lẽ nén những thiếu thốn khó khăn nơi vùng đảo. Buồn rồi cũng quen chị à. Giọng anh chậm lại khi nhắc đến sự thiếu thốn trên đảo. Có lẽ sự đủ đầy đã trở nên quá xa xỉ nơi vùng đảo.
Niềm vui, nụ cười rạng rỡ, sự mến khách và thái độ trìu mến các anh dành cho những vị khách đến từ đất liền có dịp nghé thăm ngọn hải đăng. Anh kể mỗi ai khi đến đảo đều đến thăm hải đăng và muốn đứng nhìn đảo từ trên cao. Vì thế chúng tôi cũng có dịp đón tiếp những vị khách đến từ đất liền được nghe mọi người kể chuyện và những gì diễn ra trên đất liền lại thấy nhớ.
Bữa cơm chiều đạm bạc hơn nhiều với món rau dưa sẵn có. Để cải thiện và chủ động nguồn thức ăn tươi các anh đã tự tận dụng vườn rau tại nơi làm việc. Một vườn rau xanh mướt được các anh chăm chút từng ngày.
Anh Lê Trung Tuyến đang kiểm tra ngọn đèn.
Anh Lê Trung Tuyến, 29 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, đã có hơn 2 năm công tác tại huyện đảo Cồn Cỏ mà vẫn chưa lập gia đình, anh kể: “Công việc này mình phải ở đây suốt nên chẳng có thời gian về nhà gặp gỡ ai, trong nhà cũng muốn mình lập gia đình để ổn định nhưng vẫn chưa gặp được người nào hiểu mình”.
Tại trạm hải đăng Cồn Cỏ có 7 người làm công tác trực trên đảo thuộc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Bắc Trung Bộ, trong đó trạm trực có anh Hoàng Văn Biên trạm trưởng là người lớn tuổi đời và tuổi nghề. Với gần 20 năm công tác trực đèn biển nhưng hôm chúng tôi đến anh Biên đã đi công tác ở trong đất liền. Anh Quân kể anh Biên có nhiều kinh nghiệm về nghề gác đèn biển và được đi nhiều nơi công tác nên anh có nhiều kỷ niệm, mỗi lần anh Biên kể chuyện ai cũng thấy rất thích thú. Tiếc là đợt này ra đảo chúng tôi không có dịp được gặp anh. Mong sẽ sớm trở lại đảo và gặp những người chưa kịp biết tên.
Mải chuyện chúng tôi cũng đành nói lời chia tay, vì ngày chúng tôi ra đảo gần ngày với tin có bão lớn đổ bộ vào Biển Đông nên mọi người lại tranh thủ đi các nơi trên đảo. Chúng tôi đành nói lời tạm biệt để chào các anh cho kịp giờ lên tàu quay vào đất liền. Vội vàng với chuyến tàu cuối cùng vào đất liền trước giờ tin bão mỗi người đều xúc động, các anh gửi lời chúc cho chuyến đi của chúng tôi thành công, chúng tôi càng thấy quý tình cảm ấy, chắc rằng khi trở về đất liền sẽ nhớ về các anh những người làm công việc gác đèn biển với những cống hiến thầm lặng.
Đến lúc chào tạm biệt, chúng tôi bắt tay nhau trong niềm thân mật. Chào các anh, nhìn công việc các anh đang làm chúng tôi càng hiểu và trân trọng sự cống hiến thầm lặng của người gác đèn biển trên những ngọn hải đăng trải dọc chiều dài vùng biển đất nước.
Phan Bảo Hòa
Theo