Thứ năm 25/04/2024 18:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công ty cổ phần Hanel và nguy cơ “thất thoát” hơn 100 tỷ đồng

20:47 | 04/04/2020

(Xây dựng) – Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, Công ty cổ phần Hanel tồn tại khoản nợ “khó đòi” lên tới gần 103 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G.

cong ty co phan hanel va nguy co that thoat hon 100 ty dong
Trụ sở Công ty cổ phần Hanel (Ảnh: Internet)

Theo đó, năm 2019, Công ty cổ phần Hanel ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 844,2 tỷ đồng (giảm mạnh so với mức 1.071 tỷ đồng năm 2018). Đáng nói, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác âm 922 triệu đồng, trong khi năm 2018 khoản này là 154,2 tỷ đồng. Như vậy, năm 2019, Công ty cổ phần Hanel chỉ đạt 138,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với mức 236,3 tỷ đồng năm 2018.

Căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, Hanel ghi nhận công nợ phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G số tiền gần 103 tỷ đồng (bao gồm khoản gốc đặt cọc là 86,7 tỷ đồng và khoản lãi dự thu là 16,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, số nợ này chưa được công ty ghi nhận khoản lãi chậm thanh toán cho giai đoạn từ 28/6/2017 - 31/12/2019 do khoản nợ phải thu này đã quá hạn thanh toán nhiều năm. Đến nay, khoản nợ này vẫn chưa chắc chắn về khả năng thu hồi.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán VACO nhấn mạnh, khoản nợ này đã quá hạn thanh toán nhưng chưa được Công ty cổ phần Hanel đánh giá việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, ước tính giá trị khoảng 78,92 tỷ đồng.

Như vậy, nếu không thể thu hồi thì đây sẽ là khoản thất thoát lớn cho Công ty cổ phần Hanel và người chịu ảnh hưởng lớn nhất là cổ đông nhà nước của doanh nghiệp.

cong ty co phan hanel va nguy co that thoat hon 100 ty dong
Hanel từng bị xử phạt và vướng vào nhiều “xùm xùm” khi thoái vốn Nhà nước.

Trước đó, vào tháng 2/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Hanel. Cụ thể, Công ty Cổ phần Hanel bị phạt tiền 300.000.000 đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Không chỉ vậy, nhiều cổ đông của công ty từng phản ánh đến báo chí về những sai phạm khi thực hiện thoái vốn như: Không thực hiện cổ phần hóa đúng thời hạn, không thực hiện đăng ký công ty đại chúng thời hạn 90 ngày sau khi cổ phần hóa, không lên sàn upcom trong thời hạn 1 năm theo quy định niêm yết bắt buộc về niêm yết với công ty Nhà nước cổ phần hóa, không công bố báo cáo thường niên, không chia cổ tức…

Được biết, tiền thân của Công ty cổ phần Hanel là Công ty Điện tử Hà Nội thành lập năm 1984 và được phê duyệt cổ phần hóa vào năm 2015. Hiện công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ cao, bất động sản, khu công nghiệp…

Công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2016 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ mua 3,9 triệu cổ phiếu trong tổng số đăng ký bán 19,1 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thành công 20%. Đến tháng 6/2017, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 1.926 tỷ đồng tương ứng 192,6 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, trong đó, Nhà nước vẫn còn nắm giữ 97,93% vốn điều lệ.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load