(Xây dựng) - Sáng 26/5, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội thảo Khởi động “Chương trình Phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính Quốc tế IFC (Ngân hàng Thế giới) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House).
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc, định hướng Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam cho biết: Đối với Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu, dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng từ những năm 2000, nước ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Và để cụ thể hóa chủ trương này, mới đây nhất, chỉ cách đây vài tuần, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng Xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, phong trào phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.
Có thể nói, việc phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS.
VNREA đóng vai trò tích cực điều phối Chương trình Công trình Xanh
Hiệp hội đã bước đầu thành lập Ban điều phối Chương trình với 22 thành viên gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về Công trình Xanh và lãnh đạo các doanh nghiệp BĐS lớn. Hiệp hội cũng đã xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS Xanh của Việt Nam.
Làm thế nào để hiểu rõ khái niệm Công trình Xanh cũng như để đánh giá thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường BĐS Xanh (Công trình Xanh) tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn để đưa ra những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thời gian vừa qua; đồng thời trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về phát triển Công trình Xanh có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam? Đây là những ý kiến được nhiều diễn giả đưa ra trong Hội thảo. Các đại biểu cũng đề xuất các kiến nghị, góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy công tác phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thực sự nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam của chúng ta thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đại diện đại diện Bộ KH&CN, ông Nguyễn Tuấn Dương phát biểu: Ngày nay, việc lựa chọn phát triển Công trình Xanh đã được khẳng định ở nhiều quốc gia trên thế giới, là hướng đi đúng đắn từ rất nhiều năm nay. Thông qua việc phát triển Công trình Xanh đã giúp tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo tồn cảnh quan sinh thái thiên nhiên, mang đến cho con người môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp. Cùng với ngành Xây dựng, có những đơn vị ngoài ngành Xây dựng đẩy mạnh sản xuất liên quan đến sản phẩm ứng dụng cho Công trình Xanh.
Qua đó, khẳng định khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất vật liệu cho Công trình Xanh, hàng loạt công nghệ xử lý nước thải trong độ thị đã xây dựng thành công. Việc phát triển Công trình Xanh ở nước ta đã được Nhà nước và các cấp chính quyền ưu tiên, tích cực khởi động, hứa hẹn tương lai sẽ phát triển mạnh vì điều kiện thiên nhiên ở Việt Nam rất phù hợp để xây dựng, phát triển Công trình Xanh. Chương trình dự kiến sẽ có đóng góp tốt cho chiến lược quốc gia phòng chống biến đổi khí hậu.
Để tiếp tục hỗ trợ chương trình thực sự lan tỏa và phát triển bền vững, trong thời gian tới, mong muốn VNREA sẽ là cầu nối với hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển Chương trình Xanh và bền vững. Bộ KH&CN sẽ tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ tợ cho chương trình phát triển Công trình Xanh.
Công trình Xanh sẽ phát triển mạnh
Về phía Bộ Xây dựng, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ KH&CN và Môi trường đã tham gia trình bày tham luận với chủ đề: "Khái niệm và tiêu chuẩn áp dụng cho Công trình Xanh ở Việt Nam". Ông Thành cho rằng: Với Hội thảo này, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng của thế giới, diễn đàn khởi thảo các nghiên cứu, định hình đưa ra chính sách. Chúng tôi đánh giá đây hoạt động kịp thời, nhanh, hiệu quả của Hiệp hội.
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ KH&CN và Môi trường (Bộ Xây dựng).
Trong những năm qua, các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế đã bộc lộ mặt trái làm cho môi trường ô nhiễm, thiên nhiên suy thoái, gây ra biến đổi khí hậu, đe dọa sự sinh tồn của nhân loại trên thế giới. Các giải pháp thích ứng với bến đổi khí hậu đã tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, xây dựng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong ngành Xây dựng, phát triển Công trình Xanh được xem là một giải pháp công nghệ góp phần giải quyết bài toán năng lượng, môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho công trình. Hoạt động phát triển Công trình Xanh được bắt đầu từ 1990 do một tổ chức nghiên cứu của Anh cùng khởi xướng, đưa ra phương thức đánh giá môi tường. Năm 1993, Hội đồng Công trình Xanh Hoa kỳ được thành lập.
Năm 2000 đã xây dựng được 3 bộ tiêu chí đánh giá Công trình Xanh trên thế giới. Công trình Xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 Công trình Xanh với hơn 1 tỷ mét vuông được đánh giá ở mức độ khác nhau, cho thấy chủ đầu tư đã nhận rõ lợi ích của Công trình Xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.
Dự báo Công trình Xanh có sự phát triển mạnh mẽ, khả quan trong năm 2018. Ngày càng có nhiều Công trình Xanh được công nhận ở các nước theo các bộ tiêu chí khác nhau nhưng đều theo nguyên tắc chung: đạt hiệu quả tốt nhất trong lựa chọn địa điểm xây dựng, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong suốt vòng đời của công trình. Với mỗi tiêu chí và các nguyên tắc như vậy, để lược hóa những Công trình Xanh không phải là việc đơn giản.
Bên cạnh đó, Hội thảo đã thu hút được nhiều Cty Xây dựng tham gia trình bày nhiều tham luận tại Hội thảo như: Xây dựng Công trình Xanh tiết kiệm tài nguyên – Kinh nghiệm thực tiễn từ Capital House, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam; IFC về chủ đề: "Công trình Xanh: Thực trạng phát triển từ thế giới tới Việt Nam và Kinh nghiệm rút ra"; tham luận của bà Vũ Thị Kim Thoa, đại diện USAID; tham luận của bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation; tham luận của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh.
Cũng tại Hội thảo, lễ ký cam kết tài trợ ban đầu và cam kết giữa các chủ đầu tư tham gia chương trình phát triển Công trình Xanh, trong đó có 7 doanh nghiệp BĐS tiên phong ký kết; đồng thời đều nhất trí Công trình Xanh là xu hướng tất yếu của nhân loại, không chỉ riêng ở lĩnh vực BĐS mà bao gồm tất cả nền kinh tế đều phải phát triển theo hướng này để có sự phát triển bền vững, bảo vệ Trái đất.
Tiếp nối các hoạt động, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức 3 hội thảo tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để lan tỏa mạnh mẽ hơn các mục tiêu, lợi ích của chương trình. Đây cũng sẽ là cơ hội vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhằm công bố cho thị trường những dự án, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng và phát triển Công trình Xanh.
Thanh Huyền
Theo