Thứ sáu 04/10/2024 09:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Công trình xanh khó phát triển nếu thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ

16:20 | 17/07/2017

(Xây dựng) - Tại Việt Nam, các công trình xanh được chứng nhận đang còn rất khiêm tốn so với tốc độ xây dựng hiện nay. Thậm chí, có những công trình xanh giả đang được quảng bá để dễ bán hàng.

Công trình xanh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Theo đánh giá, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong khi phát thải khoảng 1/3 tổng lượng phát thải CO2. Với tốc độ tăng trưởng xây dựng hàng năm bình quân đạt 12%, Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế, hơn nữa nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.

Hiện nay, hàng loạt dự án đang được xây mới trên cả nước nhưng con số công trình đạt chứng nhận công trình xanh rất khiêm tốn. Ông Vũ Hồng Phong – Giám đốc dự án Cộng đồng Công trình xanh Việt Nam cho biết: Riêng chứng nhận Lotus, hiện nay Cộng đồng công trình xanh mới cấp cho khoảng 100 công trình đã hoàn thiện, còn số lượng công trình đăng ký nhưng chưa hoàn thiện lớn hơn con số này rất nhiều. “Và để kiểm soát có bao nhiêu công trình xanh đăng ký nhưng không có chứng nhận thì rất khó vì các bên cấp chứng nhận không theo được hết vòng đời dự án”, ông Phong cho biết thêm.


Diamond Lotus - một trong những công trình chung cư đầu tiên đăng ký chứng nhận LEED (Mỹ).

KTS.Trần Khánh Trung – Tổng Giám đốc Công ty thiết kế TTT cũng đồng tình chia sẻ: Thực tế hiện nay, ví dụ có khoảng 100 công trình đăng ký chứng nhận xanh nhưng chỉ có khoảng hơn 40 công trình được cấp chứng nhận. Rất nhiều chủ đầu tư đăng ký chỉ để quảng cáo bán sản phẩm thôi chứ không tuân thủ xây dựng theo các chuẩn đăng ký công trình xanh; Hoặc những công trình có yếu tố xanh như cây xanh, vật liệu xanh nhưng chưa đạt chuẩn công trình xanh, chúng tôi gọi là công trình xanh giả.

Vai trò của Chính phủ là quan trọng nhất

Ở Việt Nam, số lượng công trình xanh khá thấp, đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, một phần ý thức người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư công trình xanh và Chính phủ cũng chưa khuyến khích để người dân quan tâm đầu tư công trình xanh cũng như chưa có những chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Ông Trung dẫn chứng, tại Pháp, nếu nhà nào lắp đặt pin năng lượng mặt trời dùng để phát điện mà dư thì Nhà nước sẽ mua với giá cao. Nhưng ngược lại, Chính phủ của ta hình như chưa thấy tầm quan trọng của biến đổi khí hậu nên chưa có những chính sách hỗ trợ và những chế tài quyết liệt trong việc thực thi các công trình tuân thủ theo các tiêu chuẩn xanh. Những công trình nào của Nhà nước thì Nhà nước nên đầu tư để công trình đó đạt chứng nhận xanh giống như Singapore vẫn làm.

“Có những bất cập trong quy định của văn bản mà dự án “Trung tâm Triển lãm TP.HCM” đã được thiết kế theo chuẩn của công trình xanh nhưng khi đăng ký chứng nhận công trình xanh thì khoản này không có trong chi phí dự toán được duyệt. Do vậy công trình đó đã không được xây dựng theo chuẩn xanh”, ông Trung lấy ví dụ.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang dự thảo những công trình nào xây dựng theo chuẩn công trình xanh thì sẽ được tăng thêm hệ số sử dụng đất nhằm khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, ông Trung đề xuất các giải pháp để phát triển kiến trúc xanh cần sự chung tay của Chính phủ, Hội đồng công trình xanh, tư vấn thiết kế và chủ đầu tư. Quan trọng nhất vẫn là vai trò của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ tiêu chí xanh, hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà. Hoàn thiện hệ thống phân loại rác và vận chuyển từ nguồn và hoàn thiện hệ thống vận tải xe buýt công cộng. Có như vậy mới đem lại giá trị thực cả về tiêu chuẩn công trình xanh và môi trường.

Bùi Hiền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load