Thứ sáu 19/04/2024 05:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công trình hết hạn bảo hành, trách nhiệm thuộc về ai?

16:51 | 02/12/2020

(Xây dựng) – Trên thực tế, có rất nhiều công trình sau một thời gian xây dựng và sử dụng thì xảy ra tình trạng xuống cấp, rạn nứt, hư hỏng làm ảnh hưởng đến mỹ quan, sự an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan nhằm khắc phục, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng là điều cần thiết.

cong trinh het han bao hanh trach nhiem thuoc ve ai
Bảo hành công trình có quy định rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thực tế đã cho thấy, trong quá trình vận hành và đi vào sử dụng, các công trình xây dựng cũng như công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật… nếu không được duy tu, bảo dưỡng sẽ dẫn đến hao mòn và xuống cấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Do đó, những quy định về công tác bảo hành công trình được quy định ngày càng chặt chẽ trong Luật Xây dựng, cũng như trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật liên quan, yêu cầu chủ sở hữu (hoặc người sử dụng công trình) có trách nhiệm thực hiện bảo trì, bảo hành công trình, tuân thủ các quy định của pháp luật và kỹ thuật về bảo trì công trình.

Ngày 16/8/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 26/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Theo đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BXD gồm các nội dung về giám sát thi công xây dựng công trình; trách nhiệm và quyền hạn của giám sát trưởng, giám sát viên; chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; quản lý công tác thí nghiệm hiện trường trong quá trình thi công xây dựng công trình; quan trắc công trình…

Theo quy định mới sửa đổi, chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác và được dự toán trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước, chi phí thuê tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng không vượt quá 20% chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.

Thông tư cũng bổ sung quy định mới với trường hợp hạng mục công trình, công trình xây dựng có nhiều nhà thầu chính tham gia thi công, chủ đầu tư có thể tổ chức nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng với từng nhà thầu chính thi công xây dựng.

Ngoài ra, các quy định bảo hành và bảo trì công trình xây dựng hiện nay được thực căn cứ theo các văn bản pháp lý gồm Luật xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở 2014, Luật kinh doanh bất động sản 2014, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Theo quy định chủ thể có trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng sẽ là nhà thầu thi công và nhà thầu cung ứng các thiết bị công trình. Cụ thể theo quy định về trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng theo Luật Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP đặt ra đối với từng chủ thể có tham gia vào xây dựng và phát triển công trình xây dựng đó là: Nhà thầu thi công sẽ chịu trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng theo từng yêu cầu của hạng mục xây dựng, công trình xây dựng.

Đặc biệt đối với quy định bảo hành công trình xây dựng nhà ở thì tùy vào mức độ cần khắc phục, sửa chữa trong thời gian bản hành theo quy định với nhà ở nhà thầu sẽ phải bảo hành các phần kết cấu công trình: khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ... và các hạng mục xây dựng khác trong thỏa thuận hợp đồng xây dựng nhà ở.

Riêng nhà thầu cung ứng thiết bị công trình, thiết bị công nghệ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các yêu cầu bảo hành công trình thuộc về nhà thầu cung ứng các thiết bị bao gồm: sửa chữa, thay thế thiết bị bị hư hỏng hoặc thiết bị có khiếm khuyết mà do có lỗi của nhà thầu cung ứng thiết bị công trình, thiết bị công nghệ gây ra.

Thời gian bảo hành công trình tính từ khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng. Quy định thời hạn bảo hành các công trình xây dựng phụ thuộc vào từng cấp, loại công trình theo Luật Xây dựng.

Vấn đề quan trọng nhất là công trình sau khi hết hạn bảo hành. Việc xác định hết thời gian bảo hành công trình sẽ căn cứ vào hợp đồng xây dựng và thi công lắp đặt thiết bị công trình, thiết bị công nghệ của chủ đầu tư với các nhà thầu và quy định thời hạn bảo hành theo luật xây dựng. Sau khi công trình đã hết thời gian bảo hành các bên cần có các thủ tục xác nhận hết thời gian bảo hành đó là: mẫu biên bản nghiệm thu công trình sau bảo hành, mẫu giấy xác nhận hết thời gian bảo hành công trình.

Được biết, trách nhiệm bảo hành công trình cũng được phân rõ của chủ đầu tư, đơn vị quản lý và nhà thầu xây dựng, cung ứng thiết bị công trình. Đơn vị chủ đầu tư và quản lý, sử dụng công trình thực hiện đúng các quy định liên quan đến vận hành và bảo trì công trình xây dựng khi khai thác sử dụng, đảm bảo không vận hành sai nguyên tắc làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Kiểm tra công tác bảo hành của nhà thầu công trình, cung ứng thiết bị theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và lập mẫu biên bản nghiệm thu bảo hành công trình sau khi có các hoạt động bảo hành. Có trách nhiệm lập mẫu biên bản nghiệm thu và xác nhận hoàn thành bảo hành công trình gửi đến nhà thầu sau khi nhận được báo cáo của nhà thầu thi công, cung ứng thiết bị.

Nhà thầu xây dựng, cung ứng thiết bị công trình, công nghệ sẽ kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện bảo hành, chi chí đối với phần thi công theo quy định.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load