(Xây dựng) - Nhiều năm trở lại đây, các công trình chung cư cao tầng, các công trình giao thông, công cộng từng bước được hiện đại hóa nhưng trong số đó nhiều công trình vẫn chưa được chủ đầu tư quan tâm đến thiết kế lối đi riêng dành cho người khuyết tật (NKT). Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người NKT sử dụng (QCVN 10:2014/BXD).
Khu chung cư có đầy đủ biển báo hướng dẫn cho NKT như trên đường Trần Quý Kiên, Cầu Giấy.
Phải có nơi đỗ xe cho NKT
Theo khảo sát của PV tại nhiều KĐT, nhà cao tầng, công trình công cộng, giao thông, trụ sở làm việc trên địa bàn Tp Hà Nội vẫn chưa có công trình dành cho NKT sử dụng. Tại chung cư NO9 Dịch Vọng, Cầu Giấy đường dẫn lên sảnh tầng 1 không có đường dốc dành cho xe lăn. Hay tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, tại khu WC nhà vệ sinh cũng không có phòng dành riêng cho NKT. Qua khảo sát tại nhiều trạm xe bus, hay tạm trung chuyển xe bus nhiều điểm chờ cũng không có đường dẫn dành cho xe lăn NKT có thể đi lại...
Để giải quyết tình trạng này, tại Dự thảo quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng bao gồm: Nhà chung cư; Công trình công cộng: trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, nhà ga, bến tàu, bến xe...
Dự thảo quy chuẩn yêu cầu, đối với các công trình như bến xe, bến tàu, trong bãi đỗ xe công cộng và bãi đỗ xe trong các tòa nhà phải có chỗ đỗ xe của người khuyết tật. Căn cứ vào tổng số chỗ để xe từ 5-50 xe thì phải có tối thiểu 1 điểm đỗ dành cho người khuyết tật; Nếu trên 300 chỗ đỗ xe thì tối thiểu phải có 4 điểm đỗ.
Vị trí chỗ đỗ xe của NKT phải được bố trí gần lối vào công trình. Đối với các bãi đỗ xe công cộng thì chỗ để xe của NKT phải gần với đường dành cho người đi bộ. Nếu các công trình có nhiều bãi đỗ xe, nhiều lối vào, thì vị trí chỗ đỗ xe của NKT phải gần lối ra vào.
Tại các điểm chờ xe buýt khi có sự thay đổi cao độ phải bố trí vệt dốc hay đường dốc và đặt các tấm lát nổi hoặc đánh dấu bằng các màu sắc tương phản trên đường chờ để NKT đến được các phương tiện giao thông. Tại khu vực dành cho NKT phải có biển báo, biển chỉ dẫn hoặc các dấu hiệu cảnh báo có thể nhận biết.
Ông Trần Xuân Hiếu, Chủ tịch hội NKT quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Tôi và nhiều đồng nghiệp đã đi khảo sát nhiều công trình công cộng trên địa bàn quận cũng như trong TP Hà Nội, có thể thấy rõ vấn đề xây dựng để tạo thuận lợi cho NKT vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Tại các chợ, siêu thị, nhà thi đấu, nhà ga...NKT rất khó tiếp cận với các công trình này. Tôi đề nghị, Nhà nước nên có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình tiếp cận NKT của các chủ đầu tư, tránh tình trạng quy định chỉ nằm trên giấy!.
Dành 20% số giường bệnh cho NKT
Dự thảo Quy chuẩn quy định, tại đường vào công trình, đối với tay vịn được lắp đặt ở độ cao không lớn hơn 900 mm so với mặt sàn. Ở điểm đầu và điểm cuối đường dốc, tay vịn phải được kéo dài thêm 300 mm. Khoảng cách giữa tay vịn và bức tường gắn không nhỏ hơn 40 mm.
Công trình hoặc một hạng mục công trình ít nhất phải có một lối vào đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Lối vào cho NKT phải dẫn thẳng đến quầy lễ tân và các không gian chính của công trình. Tại các khu vực như nơi ngồi chờ, chỗ xếp hàng để làm thủ tục đăng ký hay thanh toán, quầy bán hàng... hoặc tại các bề mặt làm việc trong các công trình công cộng phải đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.
Bảng điều khiển trong buồng thang máy được lắp đặt ở độ cao không lớn hơn 1,2m và không thấp hơn 90cm tính từ mặt sàn thang máy đến tâm nút điều khiển cao nhất. Trên các nút điều khiển nên có các ký tự hoặc tín hiệu cảm nhận được và hệ thống chữ nổi Braille dành cho NKT nhìn.
Trong các công trình công cộng, tỷ lệ phòng vệ sinh cho NKT không nhỏ hơn 5 % tổng số phòng vệ sinh nhưng không được ít hơn 1. Đối với nhà vệ sinh công cộng tối thiểu phải có 1 phòng vệ sinh dành cho NKT. Trong khu vực phòng vệ sinh, phòng tắm phải đảm bảo khoảng không gian thông thuỷ tối thiểu 1,4m x 1,4m để di chuyển xe lăn.
Dự thảo quy chuẩn cũng quy định rõ: đối với phòng chăm sóc bệnh nhân trong các công trình y tế, theo đó tỷ lệ tối thiểu các phòng chăm sóc bệnh nhân đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng được quy định như sau: Bệnh viện - không nhỏ hơn 20 % tổng số phòng bệnh; Trung tâm điều dưỡng - không nhỏ hơn 50 % số buồng phòng.
Ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho NKT còn gặp phải một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao. Hầu hết kiến trúc sư vẫn có thói quen thiết kế theo kinh nghiệm, không quan tâm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên... Sau khi Dự thảo hoàn thiện được ban hành, thì các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định của QCVN 10:2014/BXD trong hoạt động xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Hiệp Bắc
Theo